Trịnh Công Sơn - Ngôn Ngữ Và Những Ám Ảnh Nghệ Thuật - Tái bản 03/08/2008
(Thứ Ba, 01/04/2008) Ám ảnh nghệ thuật Trịnh Công Sơn
Trịnh Công Sơn
(Thứ Ba, 01/04/2008) Ám ảnh nghệ thuật Trịnh Công Sơn
Trịnh Công Sơn - Ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật là tựa tập sách của tác giả Bùi Vĩnh Phúc do NXB Văn Hóa Sài Gòn xuất bản và phát hành ngay ngày 1-4, nhân kỷ niệm lần giỗ thứ 7 của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn.
Tác giả Bùi Vĩnh Phúc đã tiếp cận chủ yếu ở cõi ngôn từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, suy nghiệm và đồng cảm, đến mức gọi đấy là những nỗi ám ảnh, để hình thành công trình này.
Tập sách bắt đầu với một loạt ám ảnh (phần Dẫn vào những ám ảnh nghệ thuật): Ám ảnh chiến tranh, Ám ảnh về sự cô đơn, ánh ảnh về sự phụ rẫy, Ám ảnh về những nhắc nhở của cuộc đời, của thiên nhiên, Ám ảnh về Cuộc-Chia-Tay-Lớn, Ám ảnh thân phận, Ám ảnh từ sự tự mâu thuẫn và giằng xé, Ám ảnh từ sự gắn bó với một người nữ, Ám ảnh về cái vô thường của cuộc đời.
Mỗi ám ảnh là một bài cảm nhận nghệ thuật, người đọc có cảm giác như Bùi Vĩnh Phúc đã chia nhỏ thế giới ngôn từ nghệ thuật của Trịnh Công Sơn ra thành các góc độ riêng để tiếp cận. Những phần tiếp sau đó là: Thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật, Nghệ thuật ngôn ngữ. Trong đó, đáng kể nhất là những phân tích về thời gian nghệ thuật của Trịnh Công Sơn. Bùi Vĩnh Phúc đã suy nghiệm nhiều để hệ thống các yếu tố thời gian nghệ thuật trong ca từ âm nhạc của Trịnh Công Sơn thành những mảng màu riêng để đắm mình trong ấy: Thời gian phai tàn, Thời gian tiếc nuối, Thời gian trông ngóng, Thời gian hướng vọng thiên thu, Thời gian thực tại.
Phần phân tích các nghệ thuật ngôn từ, tác giả chi tiết hóa đến chỉ ra cả biện pháp tu từ, khiến cho người đọc có cảm giác “hiểu Trịnh Công Sơn như thế này thì không còn gì để hiểu nữa”. Dù sao, đó cũng là cách nhìn nhận của Bùi Vĩnh Phúc về Trịnh Công Sơn. Ông viết: “Trên và trước, người nhạc sĩ đó lại chính là một thi sĩ tự trong bản chất và trong cách thế sai sử ngôn ngữ của mình. Và chính là từ những dòng ca từ tuyệt đẹp pha lẫn những nét đau đớn xót xa và rất lạ lùng của Trịnh Công Sơn mà cuộc đời này đã mở ra chứa chan những điều tuyệt mộng và bi thiết trước mắt nhìn của chúng ta, những người nghe anh”.
Theo lời tác giả Bùi Vĩnh Phúc tâm sự, tập sách này lẽ ra xuất hiện trước đây khoảng ba năm, nhưng mãi đến 1-4 năm nay mới ra mắt bạn đọc Việt Nam, “vì tôi muốn giữ no cho riêng mình trong mấy năm”, Bùi Vĩnh Phúc nói về cái lý do cũng rất đặc biệt như vậy.
Lam Điền
NXB Văn hóa Sài Gòn vừa ấn hành cuốn sách mới nhất về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của tác giả Bùi Vĩnh Phúc. Ông là nhà lý luận - phê bình văn học được độc giả trong và ngoài nước biết đến nhiều thập niên qua, với các công trình nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hóa, văn học Việt Nam. Bùi Vĩnh Phúc gốc Hà Nội, lớn lên tại Sài Gòn, làm thơ từ cuối thập niên 1960, hiện đang giảng dạy tại California State University, Fullerton và Golden West College (Mỹ), đã biên soạn một số giáo trình Việt Nam học dành cho sinh viên nước ngoài.
Trong tập sách này, ông sử dụng phương pháp xếp chồng văn bản (superposition) và liên-văn-bản (intertextuality), với những phân tích thi pháp học, để phát hiện các ám ảnh nghệ thuật trong sáng tác của Trịnh Công Sơn về chiến tranh, tình yêu, sự cô đơn, phụ rẫy, thân phận, thiên nhiên và những hoài niệm quanh đời...
Qua hơn 330 trang, tác giả dành một tỷ lệ thích đáng để viết về thời gian nghệ thuật trong tâm thức nhạc sĩ qua nhiều ca khúc, cũng như không gian nghệ thuật bao gồm: trời đất, núi sông, biển sóng, mây, mưa, nắng, mặt trời, mặt trăng, rừng và phố của Trịnh - tất cả trở thành "nền" để con người hiện hữu, yêu ghét, buồn vui, rồi tan vào dòng nhạc. "Nắng có hồng bằng đôi môi em/Mưa có buồn bằng đôi mắt em/Tóc em từng sợi nhỏ/ Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh...". Sách dành riêng một chương đề cập đến nghệ thuật ngôn ngữ trong ca từ Trịnh Công Sơn với các tiểu mục về hình ảnh tĩnh lược, cách hạ những câu bỏ lửng, cách nói lạ, cuộc hôn phối giữa những hình ảnh với các biện pháp tu từ, nhằm nhân hóa, so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, cùng những nét đối xứng, đôi khi rất tình cờ trong các nhạc phẩm của Trịnh.
Nhằm minh họa và cung cấp cho độc giả chất liệu để có "một cách nhìn" về Trịnh, tác giả kèm theo 3 phụ lục, giới thiệu văn xuôi, ca từ Trịnh Công Sơn, với lời khẳng định: "Người nhạc sĩ đó lại chính là một thi sĩ tự trong bản chất và trong cách thế sai sử ngôn ngữ của mình". Một trong những nội dung được nhấn mạnh trong sách là "ám ảnh về cái vô thường của cuộc đời" mà Trịnh đã thể hiện. Theo tác giả "nhận thức về vô thường trong Trịnh Công Sơn, may mắn thay, được kết hợp với lòng yêu cái đẹp, yêu cuộc đời nơi anh, đã không để anh bị chìm đắm. Nó chỉ làm cho trong lòng anh nở ra một "Đóa hoa vô thường", nối kết cái Thực và cái Mộng, cái Không và cái Có, cái Khoảnh khắc và cái Thiên thu", nghĩa là trong phù du, người nhạc sĩ đã hạnh ngộ với cái đẹp thiết tha nơi trần gian này, cái đẹp không bao giờ mất...
Giao Hưởng
(Nguồn: Báo Thanh Niên)
Xem thêm
Tác giả | Bùi Vĩnh Phúc |
---|---|
Nhà xuất bản | Nxb Văn Hóa Sài Gòn |
Nhà phát hành | Fahasa |
Giá bìa | 125.000 vnđ |
Khối lượng | 390.00 gam |
Ngôn Ngữ | Tiếng Việt |
Kích thước | 14.5x20.5 cm |
Ngày phát hành | 02/08/2019 |
Số trang | 329 |
- Đánh giá của bạn về sản phẩm này:
- Tiêu đề của nhận xét