Đầu Óc Người Ý
Click để xem bìa sau

Đầu Óc Người Ý

Tác giả: Beppe Severgnini
Đầu Óc Người Ý Lượt xem: 256 người
Sách Phát Triển Bản Thân, Sách danh nhân thế giới, Hồi ký của người nổi tiếng
Đầu Óc Người Ý 0 Vote

Đầu Óc Người Ý

"Làm người Ý nghĩa là làm một công việc toàn thời gian. Chúng tôi không bao giờ quên mình là ai, và chúng tôi rất khoái, khiến ai nhìn vào cũng phải hoang mang."

Đối với một số người ngoại quốc, Ý chính xác là một quốc gia rộng lớn, thơ mộng và bất biến. Xứ sở của ánh sáng và nước hoa, của những ly cocktail khi chiều buông. Nhưng trong đầu óc người Ý - bất hạnh hay may mắn thay - lại có thứ khác. Dọc theo chiều dài bán đảo cùng những người bạn nước ngoài, Beppe Severgnini đã miêu tả đất nước mình theo cách nhìn thật mỉa mai và đôi chút tàn nhẫn.

Từ Milano đến Firenze, từ Roma đến Napoli:ngòi bút sắc sảo của Beppe đã "phác họa" các đường phố, nhà cửa, quảng trường, cửa hàng, nhà thờ, sân vận động, siêu thị và bãi biển. Một hành trình ẩn dụ, tự ti đầy hài hước về cách sống người Ý ngày nay. Mười ngày, ba mươi địa danh. Qua con mắt và ngòi bút của một trong những tác giả được ái mộ nhất nước Ý, chân dung "nước Ý của chúng tôi là một mê cung. Hấp dẫn mà phức tạp. Vào trong đó rồi rất dễ đi lòng vòng trong nhiều năm. Nhưng hẳn là vui ra trò." dần hiện lên vô cùng sinh động. Dưới tiêu đề La Bella Figuratrong nguyên tác, cuốn tiểu luận Đầu óc người Ý đã trở thành"New York Times Bestseller" đầu tiên sau nhiều thập niên do một người Ý viết, và được dịch ra hàng chục ngôn ngữ khác nhau.

Beppe Severgnini sinh ngày 26.12.1956 tại Crema, tốt nghiệp ngành luật tại Đại học Pavia. Ông bắt đầu sự nghiệp báo chí của mình khi tham gia viết bài cho nhật báo ILGiornale (1984-1988), sau đó là tờ La voce và Corriere della Sera - nhật báo lớn nhất Ý. Từ năm 2001, Beppe cũng viết cho tờ "Gazzetta dello Sport" và xuất hiện trên đài và các chương trình truyền hình của đài RAI và BBC. Từ giữa năm 1996-2003, ông là phóng viên thường trú tại Ý của tờ The Economist. Ngoài ra Beppe Severgnini còn giảng dạy tại Đại học Parma, Đại học Bocconi của Milan và Đại học Pavia. Những cuốn sách của Beppe Severgnini được NXB Rizzoli xuất bản tại Ý đều trở thành bestsellers, ví dụ Nước Anh (1990), Người Ý ở Mỹ (1995) và Đầu óc người Ý (2005). Ông cũng có hai tác phẩm bàn về ngôn ngữ, hai tác phẩm về du lịch cùng một cuốn tự truyện. Năm 2004, ông được vinh danh "Nhà báo châu Âu của năm".

Mời bạn đón đọc.

Đó cũng chính là nội dung của cuốn tiểu luận bestseller vô cùng nổi tiếng đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng của cây bút từng được vinh danh “Nhà báo châu Âu” năm 2004.

Không mang dáng vẻ và hình thức đơn thuần của một cẩm nang du lịch, không mang tính triết luận cồng kềnh rườm rà, cũng không bềnh bồng mộng mơ như một tác phẩm văn học, "Đầu óc người Ý" là một tiểu luận toàn diện và thấu suốt về đất nước được coi là “xứ sở của bản chất con người”, nhưng mặt khác, nó vẫn mang đầy đủ tính thông tin-khoa học và tiện ích của một cẩm nang du lịch; ắp đầy lối ví von hóm hỉnh duyên dáng và những miêu tả ẩn dụ đậm chất văn chương, hơn cả, đó là một cuốn sách khiến người ta thích thú ngay từ bìa sách cho tới trang những trang đầu tiên để rồi không thể ngừng lại cho đến tận trang cuối cùng. Bắt đầu hành trình tiến vào “đại ngàn Ý” từ ngày thứ Sáu: Từ Malpensa tới Milan và kết thúc vào ngày Chủ nhật: Từ Crema tới Malpensa, qua vùng San Siro; mười ngày, ba mươi địa danh, đó dường như là hành trình “không tưởng” ngay cả đối với một du khách hăm hở và nhiệt huyết nhất, hành trình ấy chỉ có thể diễn ra trên những trang sách mà mỗi câu chữ của nó mang đậm tinh chất của người Ý, chỉ người Ý mới có thể nghĩ và hiểu đến như vậy. Định nghĩa từ những góc nhỏ bé nhất như vỉa hè, cửa sổ, khu vườn… cho đến những không gian rộng lớn như quảng trường, vùng thôn quê, thậm chí chân trời; khái niệm hóa mọi nơi chốn công cộng một cách hình tượng nhưng lại dễ hiểu đến bất ngờ, Beppe Severgnini hoàn toàn “làm chủ” tất cả những gì thuộc về đất nước mình, và đó là điều lý giải tại sao, độc giả cảm thấy gần nước Ý đến thế, thích thú với nước Ý đến thế khi đọc sách của ông. Thì ra, Ý không chỉ là xứ sở của bóng đá, của thời trang, của những kiệt tác nghệ thuật phi thường mà còn là đất nước của những điều gần gụi và giản dị, của thấu hiểu và những biến chuyển mà dù đứng ở Milan, Roma giàu có hào nhoáng hay “dưới ánh mặt trời Toscana”, đứng ở Napoli nhộn nhịp hay thị trấn Crema “chẳng là gì ngoài ước vọng trần thế của bất kỳ ai”, tất cả những điều ấy vẫn vẹn nguyên.

Beppe Severgnini, với “văn phong thừa thãi những hạt mầm thận trọng”, với óc hài hước và tư duy tỉnh táo sáng suốt của mình, với tính tự tôn dân tộc và quan niệm “làm người Ý nghĩa là làm một công việc toàn thời gian. Chúng tôi không bao giờ quên mình là ai, và chúng tôi rất khoái khiến ai nhìn vào cũng phải hoang mang”, đã chứng minh một cách hùng hồn nhất cái gọi là “người Ý”: mê đắm cái đẹp (dù cho nó có thể trở thành khuyết điểm cốt tử của người Ý), quá thông minh (và muốn thông minh mọi nơi mọi lúc); sẵn sàng làm người khác hoang mang sửng sốt bất ngờ (bởi những ý tưởng bất chợt đổ ào đến, bởi trí tưởng tượng, bởi sự bùng nổ luân phiên giữa tế nhị và cứng nhắc). Ý là nơi đầu óc con người ta chẳng bao giờ ngưng nghỉ, và Đầu óc người Ý của Beppe Severgnini khiến người đọc chẳng thể ngơi nghỉ, cho dù chỉ một giây. Nó buộc người ta phải say mê khám phá, say mê chiêm ngưỡng, say mê tán thưởng, say mê suy ngẫm để rồi nhận ra, nước Ý đơn giản là một chốn “muốn trốn chạy nếu đang sống tại đó; nhưng nếu đã đi khỏi thì tất cả đều muốn quay về”, dù cho bạn là người Ý hay chỉ là độc giả của Đầu óc người Ý.

Song Minh

 

"Đầu óc người Ý" của Beppe Severgnini khiến người đọc chẳng thể ngơi nghỉ, say mê khám phá, say mê chiêm ngưỡng để từ đó không chỉ hiểu thêm nước Ý mà còn có thêm điểm nhìn để quay lại khám phá chính nơi mình đang sống.

Ngọc Điền

Là một nhà báo tinh tế và đầy tinh thần hài hước, ông không quên rào đón, chỉ ra cái tâm lý gần như bị ma mị mà những du khách hôm nay đến Ý thường mắc phải: "Nước Ý quá lịch thiệp để làm địa ngục; và lại quá hỗn loạn cho chốn thiên đường. Ta coi đó là một tĩnh ngục khác thường, đầy ắp những tâm hồn cao ngạo sống trong sự trừng phạt, ai trong số đó cũng nghĩ mình có mối quan hệ đặc biệt ưu ái với bà chủ nhà"; "một phòng thí nghiệm độc nhất thế giới, có khả năng sản sinh ra cả Botticelli (hoạ sĩ bậc thầy, thời kỳ đầu Phục hưng) lẫn Berlusconi (chính trị gia, nhà kinh doanh, đang là Thủ tướng Ý). Một chốn có thể nói ta muốn trốn chạy nếu đang sống tại đó; nhưng nếu đã đi khỏi thì tất cả đếu muốn quay về".

Nhưng thực chất, tính cách Ý hiện đại được "giải mã" thậm chí "giải thiêng" qua mười ngày ấy có hơi... sòng phẳng và tàn nhẫn. Tác giả chỉ ra trong đầu óc Ý, sự nguỵ trang tính toán cục bộ luôn được ưu tiên hơn động lực và sự chân thành, sau vẻ bất biến quý phái cổ điển có chút bi kịch của kẻ bị "gán nhãn", trong sự nghễnh ngãng tự mãn có một chút huyễn tưởng đáng thương... Cụ thể, bạn sẽ thấy trong vẻ lịch thiệp của người Ý có cái tập tính cộng đồng vốn "thích cử chỉ đẹp tới mức ưa chúng hơn cả hành động tốt", cho nên dẫn đến cái lối hành xử ở đời sống công cộng luôn mang đậm tính... kịch nghệ. Vì vậy, ngay khi người Ý chiêu đãi bạn bằng sự ái quốc của họ thể hiện qua bàn ăn với những món truyền thống không nói thì ai cũng biết, hãy chuẩn bị cho cảm giác choáng váng khi nhận được hoá đơn thanh toán sau đó. Tác giả hạ bút: "Trong thời đại của đồng euro, thậm chí đến tính từ cũng không hề miễn phí".

Những tương phản, mâu thuẫn luôn là chất liệu chính mang lại sự hài hước. Cũng là chuyện quanh cái bàn ăn, có một nghịch lý khác: với người Ý, bàn ăn là nơi để người Ý bày tỏ chính kiến, tranh luận, suy luận, còn ngoài đường phố (điểm này có vẻ giống người Việt Nam), thì lại nêu cao "tinh thần bất nhã vì lợi ích cộng đồng", dẫn chứng là "giao thông cuồng loạn đến là đáng yêu" trong khi các cảnh sát đô thị lại có thái độ rất chi "thờ ơ triết học". Ôi, nước Ý của thần học!

Hãy đi một vòng quanh các cửa hàng để thấy, tại Ý, những lời chào mời diễn ra một cách bản năng, thủ công chứ không phải là khoa học kinh doanh, nói cách khác, nó xuất phát từ "dòng máu của lớp lớp thế hệ tiểu thương còn chảy trong huyết mạch họ". Nước Ý lại là một xã hội dư thừa, như bao xã hội dư thừa khác, mắc chứng tiêu dùng thái quá cộng thêm một chút "bản sắc ngông".

Nói về di sản để thấy cái bệnh bề ngoài của người Ý. Là đất nước sở hữu nhiều di sản nghệ thuật nhất hành tinh, nhưng người Ý hiện đang có cái tâm lý "mất hứng thú" với di sản tiền nhân trừ phi họ thấy "có thể kiếm chác được gì từ đó, hoặc gây được ấn tượng với toàn thế giới". Hãy xem người Ý gây ra những "thảm hoạ lý thú tệ" về kiến trúc, biến những thị trấn đẹp như Pienza, Montepulciano, Cortona, Casale Marittino, San Gimgnano và Casole d'Elsa thành những xứ sở bị "lột da một cách nhiệt thành" chỉ để sốt sắng chiều lòng những du khách tò mò thích sờ mó vào sự cổ kính. Tác giả chua chát: "Kẻ thù tồi tệ nhất của phong cảnh Ý không còn là dốt nát và đói kém nữa. Đe doạ lớn nhất là thói tham lam cộng với gu thẩm mỹ thấp: cả hai đều tỏ ra láu cá và giờ tự nhận mình là dân chủ và bình dân".

Khảo sát xã hội, từ nếp sống gia đình, không gian công cộng, truyền hình, dịch vụ, giao thông, lao động, chính trị... tác giả còn đi đến nhiều nhận định thú vị. Với ông, nước Ý tươi đẹp, thơ mộng hút hồn, nhưng lại là "cái tổ kiến đầy hoang mang". Sau những mỉa mai, hài hước đó, quan trọng là tác giả luôn đặt mình vào vai chủ nhà (chúng tôi, người Ý chúng tôi) để dẫn chuyện, cho nên, cái đáng quý nhất chính là văn hoá tự trào toát lên từ cuốn sách - có lẽ, cũng là một sản phẩm của trí tuệ Ý, quê hương của những "sự thật biết cười" (theo cách nói của một người Ý thông tuệ mà ta ít nhiều biết đến - Umberto Eco).

Đầu óc người Ý (Lê Thuý Hiền dịch, Nhã Nam & NXB Hội Nhà Văn, 2010) không phải là một cẩm nang du lịch mà bạn lầm tưởng qua ấn tượng ban đầu, càng không phải là một cuốn sách nặng nề chuyên môn nghiên cứu, mà là một cuộc khảo sát văn hoá gây hứng thú vì những giải mã thông minh, sắc sảo, hoạt kê. Một gợi ý về phương pháp và lối viết cho những ai muốn đi tìm phần trả lời cho câu hỏi cái gì đang ở trong đầu óc người Việt đương đại.

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Xem thêm
Thông tin tác giả
Thông tin chi tiết
Tác giả Beppe Severgnini
Nhà xuất bản Nxb Hội Nhà Văn
Nhà phát hành Nhã Nam
Giá bìa 125.000 vnđ
Khối lượng 462.00 gam
Ngôn Ngữ Tiếng Việt
Kích thước 13 x 20.5 cm
Ngày phát hành 02/08/2019
Số trang 400
Cuoc-thi-review-sach-topsach.vn
Nhận xét từ bạn đọc
Đánh giá trung bình
4.5/5
star star star star star>
0 vote
GỬI NHẬN XÉT CỦA BẠN
  • Đánh giá của bạn về sản phẩm này:
  • Tiêu đề của nhận xét
Đăng nhập để nhận xét