Còn khóc ngon lành là tập bút ký và tạp văn của nhà thơ - nhà sưu tầm dân ca Lê giang. Bằng những hồi ức và kỷ niệm, cùng với những cảm xúc trong đời sống (ở rừng, điền dã, ở phố), tác giả ghi lại với những tình cảm của một người nặng nợ với nhân dân, với đất nước, với nghề nghiệp, với gia đình và với bạn bè. Cảm nhận sâu sắc nhất của tác giả là dù trải qua bao thăng trầm cuộc sống vẫn còn yêu đời, yêu người và còn biết khóc… ngon lành.
Mời bạn đón đọc
Tập tạp văn với những câu chuyện bình dị mà thấm đẫm nghĩa tình, đong đầy nỗi nhớ và yêu thương của tác giả về những ngày tháng cũ
Tập tạp văn với những câu chuyện bình dị mà thấm đẫm nghĩa tình, đong đầy nỗi nhớ và yêu thương của tác giả về những ngày tháng cũ
Nếu như với Nghiêng tai dưới gió, Lê Giang đưa người đọc về tận mũi đất Cà Mau với cá chốt giấy, sông Gành Hào, với những người quê “cười nói rổn rảng” mà hồn hậu, chân tình; thì ở Còn khóc ngon lành, tác giả dành nhiều yêu thương cho gia đình, những người bạn đã gắn bó với bà qua một chặng đường dài. Sẽ có ai đó bất chợt nhìn thấy mình “hồi nảo hồi nao” trong chuyện của Lê Giang và cùng “khóc ngon lành” với những ngày xa lắc xa lơ đã không thể nào còn tìm lại được, khi đọc Nửa chừng nhớ bạn miền Trung, Hát với hừng đông, Thầy Năm chợ mới, Khúc đồng dao dành cho cô Tấm, Từ gánh hát sơn đông đến vai người điên, Qua cầu soi bóng...
Mỗi một câu chuyện như là một tiếng khóc của tác giả dành cho ký ức. Những mảng ghép quá khứ được kể lại bằng những giọt nước mắt của nỗi thương nhớ âm thầm và long lanh hạnh phúc. Không ai gọi tên ký ức giữa những lo toan thường ngày nhưng ký ức là nơi để người ta tìm về, cần cho những khoảng lặng yên bình để dỗ dành cuộc sống. Lê Giang thả mình vào dòng sông nỗi nhớ và mặc sức đắm mình trong những tháng ngày mà bà đã sống, đã cống hiến hết mình, để được tìm thấy biết bao gương mặt cũ.
Đã kể rất nhiều câu chuyện từ những chuyến đi nhưng ở mỗi tập tạp văn của mình, Lê Giang lại có thể kể hàng loạt câu chuyện mới. Cứ như thể có cả một kho tàng ký ức không bao giờ cạn. Khi thì kể về những người đồng hành với bà đi tìm dân ca, lặn lội từ miệt vườn, sông nước đến đồi cao, đi sâu vào đời sống của đồng bào dân tộc; khi chỉ xoáy những thương yêu nhung nhớ vào dải đất miền Nam; lúc lại là cái tình cái nghĩa giữa người với người, rồi ngòi bút lại xoay về phía gia đình...
Tiểu Quyên
(Nguồn: Báo Người Lao động)
Đọc xong một phần, mắt hoa lên, tôi đứng dậy sắp xếp lại cái bàn nhỏ, ngắm mấy tấm ảnh mẹ, vợ và 2 đứa con hồi nhỏ, nhìn lên trời có én liệng tìm kiếm…
Đọc xong một phần, mắt hoa lên, tôi đứng dậy sắp xếp lại cái bàn nhỏ, ngắm mấy tấm ảnh mẹ, vợ và 2 đứa con hồi nhỏ, nhìn lên trời có én liệng tìm kiếm…
Đọc tiếp được 2/3 cuốn sách, tôi mặc quần áo đi bộ trong hẻm nhỏ nhìn các em bé chơi, ra đường lớn, mở miệng cười với xô bồ bận rộn cuộc sống phố xá, mong gặp một người quen…
Đọc hết cuốn sách, thừ người, lật đi lật lại những chỗ đánh dấu, tự hứa chiều tối nay sẽ đến thăm mấy bạn bè đồng đội thời chiến tranh…
Đọc một cuốn sách mà cảm thấy yêu thương, cảm thông, thúc nhắc và có trách nhiệm hơn đối với cuộc sống, đáng quý làm sao! Tôi tìm đọc lại cuốn sách Về nhà mình xa quá. Má ơi, nhà văn Trần Thanh Phương kể lại lần về quê hương Cà Mau. Má trách. Anh xuề xòa: “Đường về nhà mình xa quá. Má ơi”. Má chưởi: “Mồ tổ mày. Nói vậy mà cũng nói được. Nhà mình ở chỗ này từ hồi ba má chưa có con, rồi sanh con ở đây. Lớn lên con ra đi làm cách mạng cũng từ mái nhà này. Mấy mươi năm má vẫn ở đây, có dời đi đâu mà xa với gần. Con đi xa chớ nhà mình có dời đi đâu mà xa”.
Người ta nói, mỗi người đàn bà đều mang một núi lửa trong tim. Tôi bỗng nhìn kỹ cái bìa cuốn sách. Bài sách có màu vàng thẫm như nắng chín phương Nam. Chân dung Lê Giang là bức ký họa bút sắt của họa sĩ Lê Lam, người từng nói với chúng tôi năm 1972 rằng ông muốn bạt núi Bà Đen tạc tượng Người mẹ miền Nam. Ồ… trông giống một cái núi lửa thiệt tình. Tên tác giả màu đỏ gợi đến một trái tim tươi thắm, nồng hậu, mạnh mẽ và đa cảm, thủy chung, ân tình,…
Chị Năm Lê Giang ơi, ta cùng nhớ đời, nhớ người để “còn khóc ngon lành” và còn cười ra nước mắt… Nghe Năm!
Vũ Ân Thy
(Nguồn: Báo SGGP)
Đố ai đọc tập Còn khóc ngon lành (bút ký của Lê Giang, NXB Trẻ, 2009) mà không... bật cười, cho dù cười xòa khoái trá hoặc cười mím chi bí hiểm.
52 bài viết, 52 câu chuyện, 52 lời nhắc, từ cuộc sống của một người cầm bút đập cùng một nhịp tim với đồng bào, đến một quá khứ tràn đầy tình yêu nước, nên yêu luôn cả những gian truân không tránh được. Có vẻ như tác giả đã viết rất dễ dàng thoải mái, nhưng đọc kỹ mới thấy bên dưới những ngôn từ hiền hòa xuề xòa ấy là cả một sự lọc lựa cố tình.
Cái gì đã tiếp tục bồi đắp tình yêu cho một người phụ nữ sắp bước sang tuổi bát thập? Chỉ có thể là chính tình yêu. Bàng bạc trong tất cả những bài viết là một tình yêu đầy chăm chút dành cho mọi thứ: con người, cỏ cây, muông thú...
Ai gặp nhà thơ Lê Giang ngoài đời, sẽ nhận ra ngay vẻ hài hước hóm hỉnh trong ánh mắt nghịch ngợm, trong những lời lẽ tưng tửng mà thâm thúy kiểu bác Ba Phi. Bởi vì người phụ nữ Cà Mau ấy dẫu tự nhận: "Tôi cam lòng cho số phận, tôi hát nghêu ngao như một người hát rong vui tính mà buồn tình", nhưng thật ra, bà luôn biết cách làm chủ cuộc sống riêng cũng như cuộc sống chung, trước đây cũng như bây giờ.
Bà có một tình yêu, và tình yêu ấy đã giúp bà cùng người yêu sóng bước bên nhau đúng như hai kẻ cùng hội cùng thuyền luôn nhìn về một hướng. Đó là hướng của cái đẹp đang lẩn khuất trong dân gian, trong những con người chân lấm tay bùn, vô danh, nhưng bao dung và vĩ đại.
Bao nhiêu bài dân ca đã được sưu tầm, đặt lời mới? Bao nhiêu bài ca dao đã được ghi chép, in ấn, phổ biến, thoát khỏi sự thất truyền? Hãy nhìn những tập sách dày mà bà và ông, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, một người ghi lời một người ký âm, để mang trả cho văn hóa Việt Nam những tài sản lớn đang có nguy cơ biến mất trước khi người ta kịp nhớ ra.
Lê Giang có biệt tài nói những điều sâu sắc bằng cách thức giản đơn mà hài hước. Chỉ có bà mới kể lể theo kiểu "Cái nón bảo hiểm nặng trịch chụp lên cái đầu nóng hầm, vô chợ cứ giựt mình hoài, tưởng ai ăn cắp mất cái đầu" (Tôi bị xử ép). Kể chuyện đi Liên Xô, bà chỉ nhớ toàn sự kiện hài hước: "Đêm thức trắng, ngày ăn sữa chua miễn phí, thỉnh thoảng có đãi đằng muỗng nĩa, nói năng thì toàn ra dấu" (Marích và chúng tôi)...
Thế nhưng, khi cảm xúc mạnh hơn cái tính thích đùa, bà lại có cách diễn đạt rất tinh và sắc: "Chúng tôi nhặt xác nhau mà tự lay tỉnh, định nghĩa lại tình yêu và cuộc sống" (Khoảng lặng), "Còn khóc là còn máu nóng, chớ vô cảm thì coi như tiêu tùng... Bên kia bên này có khác gì đâu đối với những người lấy than ra chở che Tổ quốc" (Còn khóc ngon lành)...
Lê Giang và Lư Nhất Vũ, hai con người không chịu già này vẫn tiếp tục "bôn tẩu", tìm kiếm và gìn giữ cái đẹp, như bù cho rất nhiều kẻ hầu như đã quên rằng, con người ngoài cái xác còn có cả phần hồn.
Lê Giang có một bà mẹ rất tuyệt vời, một người rất biết đùa kiểu "Nhơn chi sơ tay quơ cơm nguội/Tính bổn thiện cái miệng đòi ăn" nhưng vẫn gọi đúng tên của dân ca là "Những câu kinh của đạo làm người" (Bạc đầu nhớ má). Bà còn có những bạn đồng điệu kiểu Bảy Lam - Kiên Giang, người tranh nhau mê say dân ca với vợ chồng bà: "Những người gần đất xa trời trọi trơn, họ còn đang giữ biết bao câu hò lý đạo đời... Đi với em, có bạc cắc xài bạc cắc..., mình làm riết kẻo không kịp" (Qua cầu soi bóng).
Có được những con người như Lê Giang - Lư Nhất Vũ, như Bảy Lam thì may ra mới níu giữ lại kịp những câu hò vô cùng thú vị còn sót lại vẫn đang vọng vang khắp trên các miệt vườn, sông nước Cửu Long: "Con nước chảy lăng xăng, cật bần run lẩy bẩy/Gió đưa cành trúc gãy tòe loe/Anh ơi, làm sao cho thiên hạ khỏi chê/Gạo em vo một nước, lúa em giê một lần".
Ngô Thị Kim Cúc
(Nguồn: Báo Thanh niên)
Xem thêmTác giả | Lê Giang |
---|---|
Nhà xuất bản | Nxb Trẻ |
Nhà phát hành | NXB Trẻ |
Giá bìa | 125.000 vnđ |
Khối lượng | 440.00 gam |
Ngôn Ngữ | Tiếng Việt |
Kích thước | 14x20 cm |
Ngày phát hành | 02/08/2019 |
Số trang | 276 |
- Đánh giá của bạn về sản phẩm này:
- Tiêu đề của nhận xét