Văn Hóa Nam Bộ Qua Cái Nhìn Của Sơn Nam
Văn Hóa Nam Bộ Qua Cái Nhìn Của Sơn Nam
Văn hóa Nam Bộ qua cái nhìn của Sơn Nam là tập sách biên khảo về văn hóa học của một vùng miền Nam Bộ qua các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam.
Từ một luận văn thạc sĩ, tác giả đã xử lý lại trên tinh thần khoa học để giúp bạn đọc cảm nhận được các tầng văn hóa cùng miền đặc trưng Nam Bộ trong các sáng tác và biên khảo của Sơn Nam.
Tác giả đưa người đọc đi từ những cảm nhận về văn hóa vật thể như văn hóa mưu sinh, ẩm thực, trang phục, cư trú, giao thông đến những văn hóa phi vật thể như văn hóa tổ chức cộng đồng, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội và văn hóa nghệ thuật để người đọc thấy nhà văn Sơn Nam đã dành suốt cuộc đời mình cho sự nghiệp ghi nhận và phổ biến những nét văn hóa cao đẹp của người Nam Bộ là một công việc vô cùng lớn lao và nghiêm túc.
Mời bạn đón đọc.
TT - Nhân dịp kỷ niệm năm năm ngày mất nhà văn Sơn Nam, NXB Trẻ vừa ra mắt tập sách Văn hóa Nam bộ qua cái nhìn của Sơn Nam của tác giả Võ Văn Thành vào đúng ngày giỗ của ông, 13-8.
Tập sách như một công trình khảo cứu, với cái nhìn hệ thống và chia sẻ những đặc trưng văn hóa Nam bộ mà Sơn Nam đã khám phá, nâng niu đưa vào từng trang văn, từng trang khảo cứu đã làm bao thế hệ bạn đọc thêm hiểu thêm yêu mảnh đất Nam bộ đậm tình đậm nghĩa.
Ðọc Văn hóa Nam bộ qua cái nhìn của Sơn Nam, lại như một lần được hiểu rõ hơn, có hệ thống và mạch lạc hơn một thế giới làm nên hồn cốt Nam bộ trong các trang văn và công trình khảo cứu của ông. Bạn đọc sẽ có dịp nhận ra tất cả những vốn liếng văn hóa vật thể Nam bộ mà Sơn Nam vận dụng trong trang viết của mình, cụ thể đến từng loại hình: văn hóa mưu sinh, văn hóa ẩm thực, văn hóa trang phục, văn hóa cư trú, văn hóa giao thông. Bởi vậy, đóng góp của công trình này chính là giúp mọi người hiểu sâu hơn tác phẩm của Sơn Nam, và qua đó hiểu kỹ hơn chất văn hóa Nam bộ mà Sơn Nam đã tắm mình trong ấy từ bé thơ cho đến khi chuyển hóa thăng hoa vào
tác phẩm.
Phần văn hóa phi vật thể trong tác phẩm Sơn Nam cũng được Võ Văn Thành hệ thống công phu, để những người đọc hôm nay có thể đọc đối chiếu khi muốn tìm hiểu nghệ thuật của Sơn Nam ở các lĩnh vực: văn hóa tổ chức cộng đồng, văn hóa tín ngưỡng, văn hóa phong tục, văn hóa lễ hội, văn hóa nghệ thuật. Trong đó văn hóa nghệ thuật là nội dung rất phong phú bao gồm tất cả những sáng tác văn chương bác học, bình dân, câu hát, điệu lý và các hình thức nghệ thuật của người Nam bộ cùng các thú tiêu khiển tinh thần qua ghi chép và sáng tác của Sơn Nam.
Tập sách còn một phần hình ảnh tư liệu, gợi nhớ về thuở sinh thời của nhà văn Sơn Nam, với vóc dáng mảnh mai, đi bộ dọc đường gió bụi Sài Gòn và dọc chiều dài văn hóa Nam bộ.
***
Lễ giỗ ấm cúng
Dịp này, một lễ kỷ niệm năm năm ngày nhà văn Sơn Nam ra đi cũng được gia đình, thân hữu, văn nghệ sĩ TP.HCM tổ chức vào sáng 13-8 tại hoa viên nghĩa trang Bình Dương - nơi "ông già Nam bộ" dừng chân yên nghỉ từ năm 2008 đến nay. Buổi lễ ấm cúng, cũng là dịp để những người yêu mến ông già Nam bộ ôn lại những kỷ niệm về ông.
Nhà thơ Kiên Giang nhắc lại những ngày sống cùng Sơn Nam, chứng kiến bao thăng trầm trong làng nghệ sĩ Sài Gòn và Nam bộ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hiếu Học nhớ lại những tháng ngày cùng làm bộ địa phương chí Sông Bé với Sơn Nam. Ðại diện gia đình nhà văn Sơn Nam có vợ chồng bà Ðào Thúy Hằng và ông Trần Văn Nghị cho biết hằng năm lễ giỗ Sơn Nam theo lệ cứ ngày dương lịch (13-8) tổ chức ở nghĩa trang Bình Dương, và ngày âm lịch (13 tháng bảy) sẽ tổ chức tại nhà lưu niệm Sơn Nam (Tiền Giang). Gia đình cũng cho biết vừa hoàn thành công trình tiểu cảnh hòn Phụ Tử tại khu nhà lưu niệm (Tiền Giang) "để ông già đỡ nhớ quê hương Kiên Giang".
(Báo tuoitre.vn giới thiệu ngày 14/8/2013)
LAM ĐIỀN
PNO - Nhà văn Sơn Nam tên thật Phạm Minh Tài, (tên khai sinh Phạm Minh Tày), sinh năm 1926 tại Rạch Giá, được mệnh danh là nhà văn của Nam bộ.
Trước đây, đã có một số công trình nghiên cứu về ông như luận văn thạc sĩ Đặc điểm truyện ngắn Sơn Nam giai đoạn 1954-1975 của Lê Thị Thùy Trang (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM); luận văn thạc sĩ Công trình văn hóa và con người Nam Bộ của Đinh Thị Thanh Thủy (Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn) ... Và nay là Văn hóa Nam Bộ qua cái nhìn của Sơn Nam (NXB Trẻ) là luận văn thạc sĩ của Võ Văn Thành (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) đã được sửa chữa, nâng cao khi in thành sách.
Đọc tập sách này, ta nhận thấy các tác phẩm mang đậm nét Nam bộ của Sơn Nam không chỉ có giá trị văn học mà còn có giá trị văn hóa, với các phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói được phản ánh chân thực, độc đáo. Để chứng minh điều này, tác giả đã phân tích từ góc độ văn hóa mưu sinh, ẩm thực, trang phục, cư trú, giao thông đến văn hóa tổ chức cộng đồng, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội...
Theo tác giả: "Văn hóa Nam bộ hôm nay, theo cái nhìn hệ thống - cấu trúc gồm 3 yếu tố: môi trường văn hóa (không gian văn hóa, giao lưu tiếp biến văn hóa), chủ thể văn hóa (các tộc người Việt, Hoa, Khmer, Chăm) và hoạt động văn hóa (văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể). Sơn Nam là một nhà biên khảo không chuyên, ông không nhìn văn hóa Nam bộ như một hệ thống mà ông gộp chung tất cả lại trong các công trình biên khảo và sáng tác văn học".
Tập sách này còn giúp cho bạn đọc trẻ hiểu sâu hơn về một số tác phẩm của ông được đưa vào chương trình Văn lớp 12. Chẳng hạn, Bắt sấu rừng U Minh Hạ được chọn làm bài đọc tham khảo mà nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh đã nhận định: "Hương rừng Cà Mau được viết bằng một cây bút già dặn, cách trần thuật ngắn gọn, súc tích mà li kỳ, hấp dẫn rất có duyên. Mỗi truyện xoay quanh một tình tiết thú vị".
Có thể nói, Văn hóa Nam Bộ qua cái nhìn của Sơn Nam là tập sách đã góp phần giúp người đọc hiểu rõ thêm về con người, lịch sử và văn hóa của vùng đất Nam bộ và cũng hiểu hơn về một nhà văn mà Giáo sư Trần Văn Khê đã khái quát: "Trong suốt cuộc đời, anh đã đem văn hóa miền Nam nước Việt đến bao nhiêu người Việt Nam trong và ngoài nước".
(Báo phunuonline.com.vn giới thiệu ngày 14/8/2013)
L.B
(SGGP).- Sáng 13-8, tại Nghĩa trang Bình Dương đã diễn ra buổi họp mặt tưởng niệm 5 năm ngày mất nhà văn Sơn Nam. Nhà văn Sơn Nam sinh năm 1926, ông được đánh giá là nhà văn hàng đầu của Việt Nam với mảng đề tài khẩn hoang Nam bộ. Các tác phẩm của ông mang đậm tính khảo cứu về Nam bộ và xây dựng được hình ảnh về con người, văn hóa, địa lý Nam bộ, đặc biệt là trong giai đoạn cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Nhân dịp ngày giỗ ông, NXB Trẻ đã giới thiệu cuốn sách mới nhất về ông với nhan đề Văn hóa Nam bộ qua cái nhìn của Sơn Nam của tác giả Võ Văn Thành. Đây là tập sách biên khảo về văn hóa học Nam bộ dựa trên các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam. Từ một luận văn thạc sĩ, tác giả đã xử lý lại trên tinh thần khoa học để giúp bạn đọc cảm nhận được các tầng văn hóa vùng miền đặc trưng Nam bộ trong các sáng tác và biên khảo của Sơn Nam.
Tác giả đưa người đọc đi từ những cảm nhận về văn hóa vật thể như văn hóa mưu sinh, ẩm thực, trang phục, cư trú, giao thông đến những văn hóa phi vật thể như văn hóa tổ chức cộng đồng, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội và văn hóa nghệ thuật... để người đọc hiểu được nỗ lực của nhà văn Sơn Nam khi dành suốt cuộc đời mình cho sự nghiệp ghi nhận và phổ biến những nét văn hóa cao đẹp của người Nam bộ.
(Báo sggp.org.vn giới thiệu này 14/8/2013)
TƯỜNG VY
Tập sách, do tác giả Võ Văn Thành biên soạn, tập hợp những khảo cứu về văn hóa vùng Nam Bộ qua tác phẩm của Sơn Nam.
Di sản sáng tác, biên khảo biên soạn của nhà văn Sơn Nam luôn được những nhà nghiên cứu đi sau sử dụng như nguồn tư liệu. Các tư liệu này vừa mang tính khoa học, vừa đậm dấu ấn trải nghiệm cá nhân của chính "ông già Nam Bộ". Cuốn sách Văn hóa Nam Bộ qua cái nhìn của Sơn Nam do tác giả Võ Văn Thành biên soạn góp phần giúp độc giả hiểu thêm điều này.
Qua bộ sách của mình, tác giả Võ Văn Thành không chỉ cung cấp bức tranh tổng hợp về văn hóa vùng miền, mà còn giúp cho bạn đọc cảm nhận được các lát cắt văn hóa đặc trưng, được ghép từ những chi tiết thú vị, chắt lọc qua góc nhìn của Sơn Nam.
Bằng các trích dẫn chọn lọc, tổng hợp có hệ thống nguồn tư liệu tìm được, Võ Văn Thành đưa người đọc đi từ những cảm nhận văn hóa vật thể đến văn hóa phi vật thể về Nam Bộ. Văn hóa vật thể ở đây gồm: văn hóa mưu sinh, ẩm thực, trang phục, cư trú, giao thông... Còn văn hóa phi vật thể là tổ chức cộng đồng, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội, nghệ thuật. Độc giả có thể thấy nhà văn Sơn Nam tận lực trong việc ghi nhận và phổ biến nét đẹp trên nhiều phương diện của người miền Nam. Chúng không chỉ mang giá trị văn học mà còn mang giá trị văn hóa, với các phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói được phản ánh chân thực, độc đáo.
Được mệnh danh là nhà văn của vùng đất Nam Bộ, những tác phẩm của Sơn Nam luôn phản ánh đời sống chất phác về con người nơi đây. Nếp văn hóa thấm đẫm trong máu đã làm nên một nhà văn giản dị, dễ gần nhưng cương trực. Không dừng lại ở vốn kiến thức sẵn có, tích lũy qua sách vở, Sơn Nam còn tự tra cứu, tìm tư liệu và trải nghiệm thực tế qua những bước chân rong ruổi từ vùng quê Miệt Thứ của ông đến tận Sài Gòn đô thị và nhiều vùng đất khác. Ông đóng góp cho lịch sử văn học, văn hóa, nghiên cứu khoa học xã hội của Việt Nam hàng chục công trình biên khảo, sáng tác giá trị.
(Báo vnexpress.net giới thiệu ngày 16/8/2013)
Bạch Tiên
(Thethaovanhoa.vn) - "Đại đa số những người Việt Nam Bộ đã và đang sống đều có nguồn gốc xuất thân xa xưa không lấy gì làm hãnh diện lắm" - đó là một phát hiện của "ông già Nam Bộ" Sơn Nam về người dân vùng đất này.
Văn hóa Nam Bộ qua cái nhìn của Sơn Nam (NXB Trẻ) là biên khảo về văn hóa học vùng miền Nam Bộ qua các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam.
Xuất phát từ luận văn thạc sĩ của tác giả Võ Văn Thành, cuốn sách cung cấp cái nhìn của Sơn Nam về văn hóa vật thể và phi vật thể của miền Nam, bao gồm: văn hóa mưu sinh, ẩm thực, trang phục, cư trú, giao thông và văn hóa tổ chức cộng đồng, tín ngưỡng, phong tục, lễ hội và nghệ thuật.
Nhận định được trích ở trên do tác giả Võ Văn Trích rút ra từ tác phẩm Đồng bằng sông Cửu Long - nét sinh hoạt xưa và văn minh miệt vườn của Sơn Nam (NXB Trẻ).
Về nguồn gốc xuất thân của người Nam Bộ, Sơn Nam đút rút qua tác phẩm Đất Gia Định - Bến Nghé xưa và người Sài Gòn (NXB Trẻ): liên tục từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20, nhiều người Việt di cư từ những vùng đất cố cựu như Bắc Bộ và Trung Bộ để vào vùng đất mới, Nam Bộ. Ông gọi họ là "lưu dân". Có nhiều nguyên nhân khiến họ phải di cư: lậu thuế, trốn lính, đi khai hoang, cướp giật rồi bỏ xứ, hoặc bị tù đày...
Do vậy, Sơn Nam cho rằng "người Nam Bộ cùng có chút tự ti về nguồn gốc gia phả". Vì vậy, người Nam Bộ dù thân thiết đến đâu chăng nữa cũng ít đề cập tới lý lịch xuất thân, vì "ai chịu ghi rằng tổ tiên đời trước là dân lưu đày, tội đồ, hay trôi sông lạc chợ".
Nhưng, chính sự tự ti sâu xa đó lại góp phần lý giải cho tính cách phóng khoáng của người dân vùng đất này. Họ khỏa lấp nỗi tự ti bằng "lối sống sang trọng, quý phái khi đã trở thành người giàu, điền chủ", bằng cách "xài tiền, xài càng rộng rãi ngông nghênh thì càng sang trọng... (Họ) xem đồng tiền là phù du, duy tiếng tăm, thói phong lưu là để lại đời".
Nhà văn Sơn Nam (1926-2008) đã dành cả đời để ghi nhận và phổ biến những nét văn hóa của người Nam Bộ. Ông nhìn nhận nguồn gốc xuất thân, môi trường sinh sống và những ưu, nhược điểm trong tính cách con người nơi đây để lý giải cho những biểu hiện văn hóa.
(Báo thethaovanhoa.vn giới thiệu 29/9/2013)
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa
Xem thêmTác giả | Võ Văn Thành |
---|---|
Nhà xuất bản | Nxb Trẻ |
Nhà phát hành | NXB Trẻ |
Giá bìa | 125.000 vnđ |
Khối lượng | 220.00 gam |
Ngôn Ngữ | Tiếng Việt |
Kích thước | 14 x 20 cm |
Ngày phát hành | 02/08/2019 |
Số trang | 204 |
- Đánh giá của bạn về sản phẩm này:
- Tiêu đề của nhận xét