Những Mảnh Đời Được Ban Tặng
Những Mảnh Đời Được Ban Tặng - Chiến Dịch Không Vận Trẻ Em Việt Nam 1975
Sự kiện này xảy ra vào tháng 4 năm 1975, lúc chiến tranh ở Việt Nam chuẩn bị kết thúc. Khi đó, một nhóm các cô nhi viện với sự giúp đỡ của Chính phủ Mỹ đã sử dụng máy bay đưa từ 2 đến 3 ngàn trẻ em ra khỏi Sài Gòn, đến với các gia đình bố mẹ nuôi ở nước ngoài.
Phần lớn câu chuyện tập trung vào những người con nuôi Việt Nam, những người được đưa đi trên các chuyến bay do Chính phủ Mỹ bảo trợ và cả các chuyến bay tư nhân.
Những "đứa trẻ mồ côi do chiến tranh" ốm yếu, bị nhồi nhét vào những chiếc phản lực, nay họ thế nào?
"Câu chuyện buồn đau nhất trong toàn bộ chuyển động khủng khiếp của cuộc chiến ở Việt Nam không đả động gì đến các binh lính và ý thức hệ, và chưa bao giờ được kể một cách đầy đủ - có thể bởi vì không ai có thể chịu đựng được điều đó. May mắn thay, Dana Sachs đã lấp đầy chỗ trống đó bằng "Những mảnh đời được ban tặng" - một trong những cuốn sách dũng cảm nhất và gây đau đớn nhất về chiến tranh mà tôi từng đọc. Trong tác phẩm này, tất cả các nạn nhân và nhân vật trong Chiến dịch Không vận Trẻ em đã hồi sinh một cách ấn tượng, khó có thể quên. Và tôi sẽ không thể quên họ, cũng như cuốn sách, ngay được."
Mời bạn đón đọc.
Cuốn sách có tên "Những mảnh đời được ban tặng".
Tháng Tư năm 1975, ngay trước khi Sài Gòn sụp đổ, Chính phủ Mỹ phát động "Chiến dịch Không vận Trẻ em", một kế hoạch được quảng bá mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông, nhằm di tản và cho đi làm con nuôi nước ngoài gần 3.000 trẻ em Việt Nam. Thường được diễn tả là một nỗ lực nhân đạo vĩ đại, nhưng giờ đây, gần 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, Dana Sachs - nhà văn, nhà báo Mỹ - đã tiến hành nghiên cứu lại sự kiện chưa có tiền lệ này một cách kỹ lưỡng hơn. Tác giả cho thấy một chính sách riêng lẻ đã làm thay đổi cuộc đời của hàng nghìn con người, và không phải lúc nào cũng là tốt hơn.
Trong số 3.000 trẻ em, 80% đã được đưa đến Mỹ, số còn lại được đưa đến Canada, Australia và châu Âu. Mặc dù phần lớn số trẻ này là trẻ mồ côi, vẫn có những em không phải vậy. Thế nhưng những người cứu giúp chúng đã không tạo cơ hội cho các gia đình nhận lại con cái của mình. Với một sự nhạy cảm và cân bằng, Sachs đã làm cho bản miêu tả của mình thêm sâu sắc bằng cách tính đến vô số các góc cạnh của vấn đề: Những bà mẹ đẻ đưa ra quyết định đau đớn là từ bỏ con cái của mình; các nhân viên ở các trại mồ côi, nhân viên quân sự, các bác sĩ cố gắng "cứu giúp" trẻ; các chính trị gia và các quan tòa nỗ lực gỡ rối các vụ tranh cãi; các gia đình nhận nuôi chờ đợi trẻ đến trong lo âu; và chính lũ trẻ, những sinh linh còn non nớt đã phải gắng sức để hiểu điều gì đang diễn ra.
Nội dung cuốn sách đi theo Anh Hansen, người đã rời khỏi Việt Nam trong Chiến dịch Không vận và quay về đoàn tụ với mẹ đẻ của mình sau ba thập kỷ. Thông qua câu chuyện của cô bé Anh và của nhiều đứa trẻ khác, Những mảnh đời được ban tặng sẽ truyền cảm hứng và khích lệ các cuộc đối thoại về cái giá mà con người phải gánh chịu trong chiến tranh, về vấn đề con nuôi quốc tế, các nỗ lực cứu trợ và về sự can dự của Mỹ ở Việt Nam.
Trong lời tựa cuốn sách có đoạn: "Và, trẻ cần một 'mái nhà đẹp' hay một 'gia đình ấm' hơn? Nếu như vậy, việc đưa trẻ đi khỏi quê hương mình từ khi còn rất nhỏ, có là sự giúp đỡ thực sự tốt, để rồi những đứa trẻ lớn lên nhận thức về sự thiếu hụt khi được nuôi dưỡng ở nơi không phải là đất mẹ, trong một xã hội ít người giống mình, mãi trăn trở một câu hỏi, tôi là ai, tôi từ đâu tới?". Đó cũng là vấn đề mà hầu hết những đứa trẻ bị bứng đi khỏi gốc rễ quê hương gặp phải và ảnh hưởng lớn đến cuộc đời của họ.
Về quá trình tiếp cận với sự kiện này, Dana Sachs kể rằng, trong một lần tìm tài liệu về Việt Nam trên Internet, bà đã tình cờ nhìn thấy một tấm ảnh các trẻ em quấn pijama đặt trong những chiếc hộp nằm trên ghế trong cabin máy bay. Dana Sachs đã bị ám ảnh mạnh bởi bức ảnh này. "Những đứa trẻ này trông giống như những con búp bê mà những đứa trẻ ba tuổi sau khi chơi chán thường vứt ở ghế sofa. Một số đứa đang ngủ. Một đứa nhìn thẳng vào máy ảnh với ánh mắt vừa tò mò vừa xa vắng", Dana Sachs viết. Từ đó bà bắt đầu tìm kiếm thông tin liên quan đến bức ảnh. Đó chính là dây dẫn để tác giả tiếp cận với cái gọi là "Chiến dịch Không vận trẻ em Việt Nam 1975", tra cứu, tìm hiểu, sưu tầm những thông tin và nhân chứng của sự kiện này.
Số phận của gần 3.000 đứa trẻ là điều mà chắc hẳn không chỉ tác giả cuốn sách quan tâm. "Sau khi chiến tranh kết thúc, trẻ em trong Chiến dịch định cư ở những ngôi nhà mới và câu chuyện về chúng cũng lùi dần vào lịch sử. Đối với những người theo dõi Chiến dịch, những người vẫn còn có thể nhớ được các sự kiện đó, cụm từ 'Chiến dịch Không vận Trẻ em' gợi lại những hồi ức mơ hồ về lũ trẻ trên máy bay và chẳng có gì hơn nữa. Nhưng có nhiều người, ở Mỹ, châu Âu, Canada, Australia và tất nhiên, ở Việt Nam nữa, vẫn tiếp tục suy tư về những gì đã xảy ra trong quá khứ ấy. Bởi vì, Chiến dịch Không vận đã thay đổi cuộc đời của họ mãi mãi", Dana Sachs viết trong cuốn sách. Nhiều câu chuyện cảm động về các cuộc gặp gỡ những nhân chứng - nạn nhân của Chiến dịch nói trên đã được bà kể lại trong "Những cuộc đời được ban tặng". Những đứa trẻ còn rất nhỏ với vùng ký ức mờ nhòe luôn cố gắng để tìm lại lai lịch nhưng gần như là không thể. Mặc dù nhiều người trong số đó được tạo những điều kiện vật chất tốt để sinh trưởng, hiện có công việc ổn định, thành đạt, nhưng trong họ luôn day dứt câu hỏi về nguồn gốc và những người ruột thịt. Ngay cả cái tên thể hiện nguồn gốc Việt cũng rất ít người giữ được.
Chẳng hạn như cuộc tiếp xúc của tác giả với David, một nhân chứng may mắn vì khi bị/ được mang đến Mỹ, anh lớn tuổi hơn những người khác nên còn lưu giữ được chút ký ức: "Anh ấy không biết tên bố mẹ đẻ. Anh ấy không biết tên khai sinh đầu tiên của mình, mặc dù anh nhớ người ta đã gọi anh là "Hen Ly". Anh cũng không biết nơi mình sinh ra, thậm chí là tuổi của mình (Anh sinh vào một thời điểm nào đó giữa năm 1967 và 1969. Chính điều này đã khiến mọi người xác định anh khoảng 6 đến 8 tuổi khi đặt chân đến Mỹ). Anh tin rằng mình đã sống ở Sài Gòn nhưng không biết một cách chắc chắn. Khi đến Mỹ, David hầu như không có thông tin nhận dạng đi kèm, do đó anh phải trông cậy nhiều vào những ký ức về quãng thời gian cách đây 30 năm. Những ký ức này rất thưa thớt, mỏng manh, gần giống như những giấc mơ siêu nhiên".
Không thiếu những cảnh cảm động đậm tính văn học từ những câu chuyện có thật được tái hiện trong cuốn sách. Chẳng hạn như đoạn trích này, vẫn về David, qua lời kể của tác giả: "Một trong những ký ức của David mách bảo anh rằng một lần vô tình anh bị cái bấm móng tay cắt vào tay gây chảy máu. Một cô bé lớn tuổi hơn - có lẽ là chị anh? - hình như đã giúp anh băng bó vết thương. 'Tôi có thể nhìn thấy vết sẹo đó', anh nói với tôi và duỗi tay trên bàn để tôi nhìn. Tôi không chắc rằng anh ấy đang cố chứng tỏ điều anh kể hay anh ấy muốn chia sẻ với tôi mẩu bằng chứng duy nhất này, thứ kết nối anh với cuộc sống anh đã trải qua trước kia ở Việt Nam. Mặc dù tôi nhìn vào làn da nhẵn nhụi trên tay anh một cách kỹ lưỡng, song tôi không thể nhận ra một vết sẹo nào trên đó. David rụt tay lại và nói, nửa như xin lỗi: "Nó rất mờ, vì thế chị không thể nhìn thấy nó lúc này". Nhưng đối với tôi, rõ ràng là anh ấy nhìn thấy vết sẹo đó.".
Dana Sachs được gợi ý nhan đề của cuốn sách từ cuộc trò chuyện với một nhân chứng có tên Bert Ballard. Khi được di tản đến Mỹ, anh là một đứa trẻ còn ẵm ngửa bé xíu. Bert Ballard cho biết anh khuyến khích những người con nuôi đồng cảnh ngộ với mình hãy chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, thay vì ôm lấy mối giận dữ về những gì đã xảy ra. Bert Ballard nói với những người cùng cảnh rằng "đây là cuộc đời mà chúng ta được người ta trao cho" và đưa ra lời khuyên: "Chiến dịch Không vận ấy đã gây ra sự giận dữ ở khắp nơi. Bạn không thể lại gần tất cả những người có trách nhiệm để nói rằng: "Xin chào, ông đã đánh cắp cuộc đời tôi. Ông phải xin lỗi tôi". Đúng như lời của Bert Ballard, khi đọc những gì được tác giả Dana Sachs tái hiện trong cuốn sách, người ta đã thấy, hàng nghìn mảnh đời đã bị đánh cắp, để rồi nó đã thay đổi mãi mãi, không hẳn là tốt hơn hay xấu hơn, nhưng nhất định, đã không theo cách mà nó (lẽ ra) sẽ diễn ra.
Trong lời giới thiệu "Những mảnh đời được ban tặng", nói về cuốn sách của mình, Dana Sachs cũng thừa nhận rằng, "tôi sẽ không bao giờ có thể thực hiện được công việc này một cách trọn vẹn, thấu đáo và công bằng tuyệt đối" và bà bày tỏ mong muốn: "Tôi chỉ mong rằng, những gì tôi kể lại có thể truyền cảm hứng cho những ai bị tác động bởi Chiến dịch này...".
***
Dana Sachs đã viết về Việt Nam trong 20 năm. Bà là tác giả của Ngôi nhà trên con phố mơ ước: Hồi ký của một phụ nữ Mỹ ở Việt Nam và tiểu thuyết Nếu bạn từng sống ở đây, và đồng tác giả của Hai chiếc bánh thích hợp cho một ông vua: Truyện ngụ ngôn Việt Nam. Sachs là giảng viên Đại học Bắc Carolina-Wilmington; hiện sinh sống tại Bắc Carolina. Cuốn sách "Những mảnh đời được ban tặng" về Chiến dịch Không vận trẻ em Việt Nam 1975 của bà do dịch giả Hoàng Nhương chuyển ngữ, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.
Về cơ duyên với Việt Nam, trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam Dana Sachs chia sẻ: "Tôi bị Việt Nam cuốn hút ngay từ lần đầu đặt chân đến đây năm 1990. Khi đó, tôi hầu như chưa biết gì về đất nước này, ngoài việc nước Mỹ của tôi từng phát động một cuộc chiến tồi tệ tại đây. Cái cảm giác chuộc lỗi cứ thôi thúc tôi".
(Báo vnexpress.net giới thiệu ngày 30/4/2013)
Dương Tử
Chiến dịch này, ngay từ đầu, một mặt nhận được sự hưởng ứng của số đông dân Mỹ - nó thoả mãn tâm lý tự chuộc lỗi của người Mỹ, nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều tranh cãi, phản ứng nặng nề. Điều đáng nói, phe hưởng ứng lẫn chống lại đều dựa trên lý lẽ, quan điểm nhân đạo.
Những nạn nhân nhỏ tuổi nhất của cuộc chiến
Mùa xuân năm 2004, trong khi tìm kiếm tư liệu về Việt Nam trên internet, nhà văn Dana Sachs đã dừng lại trước bức ảnh chụp những đứa trẻ nhỏ xíu được quấn trong những bộ pijama màu trắng đặt trên một dãy ghế máy bay, một số đang ngủ, một số đang nhìn thẳng vào máy ảnh với ánh mắt tò mò, xa vắng. Bức ảnh đầy xúc động đó đã thôi thúc bà bước vào hành trình khám phá câu chuyện cảm động về những đứa trẻ trong chiến dịch Không vận trẻ em.
Với bà, chiến dịch này là một "tình huống kỳ lạ" mà chiến tranh tạo ra.
Hành trình của Dana Sachs giúp người đọc hình dung được bối cảnh đời sống Sài Gòn trong những ngày chính quyền cộng hoà ở miền Nam sụp đổ. Trong bức tranh toàn cảnh khốc liệt, hàng chục ngàn trẻ em miền Nam mồ côi, thất lạc cha mẹ sống trong các trại dưỡng tế, hàng trăm ngàn trẻ em có cha mẹ dính dáng đến chính quyền miền Nam hay những trẻ em lai đang phấp phỏng lo âu trước những "radio miệng" cho rằng chúng sẽ bị những người cộng sản tắm máu trả thù. Trong tình thế đầy tuyệt vọng, chiến dịch không vận mở ra như một lối thoát cho những trẻ em mồ côi cha mẹ và trẻ em lai, song, nó cũng trở thành cánh cửa để nhiều gia đình có tiền, quyền lực ở miền Nam giành giật cơ hội cho con em họ lưu vong.
Tài liệu của Dana Sachs trong cuốn sách sống động với lời kể, hồi ký của các nhân chứng như Rosemary Taylor ở tổ chức FFAC (Những người bạn của tất cả trẻ em) hay Cherie Clark ở tổ chức FCVN (Những người bạn của trẻ em Việt Nam) - những người trực tiếp tham gia chăm sóc những đứa trẻ và đưa chúng sang Mỹ, Canada, Úc, châu Âu... vì mục đích nhân đạo từ 1973 - 1975. Bà cùng tìm hiểu rõ công việc của các tổ chức quốc tế lâu đời như Holt, dịch vụ cứu trợ Cơ đốc giáo, Tầm nhìn thế giới... đã đến Việt Nam làm cầu nối con nuôi cho người Mỹ vào cuối cuộc chiến tranh để hiểu rõ ý hướng nhân đạo của những tổ chức này lúc đó và nỗi dằn vặt thất vọng của họ về mãi sau này khi các mục tiêu đã bị kẻ khác lợi dụng hay thực hiện cẩu thả.
Dana Sachs đã kể lại một cách sống động những sự thật đẫm nước mắt của cảnh ly tán, cảnh cơ nhỡ của đám trẻ bệnh tật, suy dinh dưỡng trong chiến tranh khi những trại tế dưỡng không đủ nhân viên chăm sóc và nhất là số phận, sinh mệnh của chúng hắt hiu vô định; mô tả lại khung cảnh chết chóc trên chuyến bay phản lực cuối cùng của chiến dịch chở gần 200 trẻ em Việt Nam trong tình trạng thiếu thốn lương thực, nước uống đã khiến rất nhiều em qua đời khi máy bay buộc hạ cánh khẩn cấp xuống Philippines... Tác giả đã đến Việt Nam vào năm 2006 để đến cho được vùng An Phú Đông, nghe người dân thuật lại vụ rớt "máy bay mồ côi" bi thảm ngày 3.4.1975, khi chiếc máy bay Galaxy C-5A chở trẻ mồ côi vừa cất cánh thì gặp tai nạn làm chết hàng trăm em nhỏ, và cháy cả 200 hồ sơ về lai lịch của bọn trẻ.
Trở về sẹo vẫn chưa liền
Những đứa trẻ ngày ấy bây giờ ra sao? Câu hỏi được giải đáp trong phần 3 cuốn sách. Có rất nhiều đứa trẻ ra đi khi còn được bồng ngửa, không có ký ức, hình dung về quê hương gốc gác. Cũng có những đứa đủ lớn để luôn đau đáu về anh em, gia đình thất lạc. Và đã có những cuộc kiếm tìm, gặp gỡ đầy xót xa.
Một trong số những tình huống gặp gỡ như thế là cuộc trở về Việt Nam của David, của một đứa trẻ của chiến dịch "không vận" năm xưa. Nhờ vết sẹo trên bụng, anh may mắn nhận lại được người mẹ từng nuôi mình trong những tháng năm ở một trại mồ côi Sài Gòn. Cũng có những cuộc gặp đầy run rủi trên đất Mỹ. Một người mẹ suốt 20 năm lúc nào cũng mang tập hồ sơ về đứa con gái lai trong mình và dò hỏi khắp nơi cho tới ngày gặp con. Hay một bà mẹ khác vượt biên sang tìm bảy người con ra đi trong chiến dịch không vận, bà phải đối diện với kiện tụng gian khó trên đất Mỹ để giành lại những đứa con từ tay cha mẹ nuôi chúng... Ở mỗi cuộc đoàn tụ tưởng chừng may mắn đó, người ta lại một dịp đối diện với vết sẹo chưa hẳn đã liền da của bi kịch gia đình.
Trong hoàn cảnh chiến tranh, việc lập hồ sơ cho những đứa trẻ hoàn toàn không đơn giản, chưa kể, những bộ hồ sơ được thuyên chuyển nhiều nơi, thất lạc hay tam sao thất bổn qua nhiều tổ chức, nhiều đứa trẻ lớn lên hoang mang, khắc khoải trong việc dò tìm gốc gác chính mình.
Cuốn sách đặt ra câu hỏi day dứt chính tâm can những người từng tham gia chiến dịch không vận này: liệu những đứa trẻ được đưa đi có thực sự hạnh phúc hơn những đứa được ở lại với đất nước của chúng và đối diện với sự thiếu thốn, nghiệt ngã của những năm đầu hoà bình?
Không ai có thể trả lời câu hỏi đó. Chỉ biết, từ những tiếng kêu xé lòng trong cuốn sách này, Dana Sachs đã gửi một thông điệp mạnh mẽ. Bà nhắc đến câu nói của P.W. Singer: "Lúc cân nhắc để lao vào những cuộc chiến, hiếm khi người ta để ý đến trẻ em!"
Những mảnh đời được ban tặng có thể xem là một tập phóng sự tài liệu đầy công phu và thấm đẫm sự sẻ chia giữa người viết với những cuộc đời sinh ra đã phải hứng chịu những hệ luỵ khủng khiếp từ cuộc chiến.
(Báo sgtt.vn giới thiệu ngày 30/4/2013)
Nguyễn Vĩnh Nguyên
PNO - Đó là nữ nhà báo Dana Sachs với tác phẩm Những mảnh đời được ban tặng (nguyên tác: The Live We Were Given), NXB Trẻ vừa ấn hành qua bản dịch của Hoàng Nhương. Nhà báo Dana Sachs không xa lạ với bạn đọc, bà đã viết về Việt Nam trong 20 năm qua, là tác giả Ngôi nhà trên con phố mơ ước, Nếu bạn từng sống ở đây...
Tháng 4.1975, ngay trước khi Sài Gòn sụp đổ, Chính phủ Mỹ phát động "Chiến dịch không vận trẻ em", một kế hoạch được quảng bá mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông, nhằm di tản và cho đi làm con nuôi nước ngoài gần 3.000 trẻ em Việt Nam. Trong số đó, 80% đã được đưa đến Mỹ, số còn lại được đưa đến Canada, Australia và châu Âu. Số phận của những đứa trẻ này ra sao? Nhà báo Dana Sachs trả lời cũng bằng một câu hỏi khác: "Và, trẻ cần một "mái nhà đẹp" hay một "gia đình ấm" hơn? Nếu như vậy, việc đưa trẻ đi khỏi quê hương mình từ khi còn rất nhỏ, có là sự giúp đỡ thực sự tốt, để rồi những đứa trẻ lớn lên nhận thức về sự thiếu hụt khi được nuôi dưỡng ở nơi không phải là đất mẹ, trong một xã hội ít người giống mình, mãi trăn trở một câu hỏi, tôi là ai, tôi từ đâu tới?".
Chẳng hạn, đây là một số phận của David: "Anh ấy không biết tên bố mẹ đẻ. Anh ấy không biết tên khai sinh đầu tiên của mình, mặc dù anh nhớ người ta đã gọi anh là "Hen Ly". Anh cũng không biết nơi mình sinh ra, thậm chí là tuổi của mình (Anh sinh vào một thời điểm nào đó giữa năm 1967 và 1969. Chính điều này đã khiến mọi người xác định anh khoảng 6 đến 8 tuổi khi đặt chân đến Mỹ). Anh tin rằng mình đã sống ở Sài Gòn nhưng không biết một cách chắc chắn. Khi đến Mỹ, David hầu như không có thông tin nhận dạng đi kèm, do đó anh phải trông cậy nhiều vào những ký ức về quãng thời gian cách đây 30 năm. Những ký ức này rất thưa thớt, mỏng manh, gần giống như những giấc mơ siêu nhiên".
Tại sao nhà báo Dana Sachs viết lại sự kiện này? Bà cho biết, trong một lần tìm tài liệu về Việt Nam trên Internet, bà đã tình cờ nhìn thấy một tấm ảnh các trẻ em quấn pijama đặt trong những chiếc hộp nằm trên ghế trong cabin máy bay và nhận xét: "Những đứa trẻ này trông giống như những con búp bê mà những đứa trẻ ba tuổi sau khi chơi chán thường vứt ở ghế sofa. Một số đứa đang ngủ. Một đứa nhìn thẳng vào máy ảnh với ánh mắt vừa tò mò vừa xa vắng".
Điều này đã thôi thúc Dana Sachs dành thời gian tìm kiếm tài liệu để viết Những mảnh đời được ban tặng. Và bà đã rút ra kết luận: "Chiến dịch không vận đã để lại trong mỗi người những rắc rối về tâm lý và tình cảm. Trong nhiều trường hợp, những rắc rối ấy không thể gỡ được".
(Báo phunuonline.com.vn giới thiệu ngày 14/5/2013)
K.N
Xem thêm
Tác giả | Dana Sachs |
---|---|
Nhà xuất bản | Nxb Trẻ |
Nhà phát hành | NXB Trẻ |
Giá bìa | 125.000 vnđ |
Khối lượng | 352.00 gam |
Ngôn Ngữ | Tiếng Việt |
Kích thước | 13 x 20 cm |
Ngày phát hành | 02/08/2019 |
Số trang | 400 |
- Đánh giá của bạn về sản phẩm này:
- Tiêu đề của nhận xét