Những Cánh Thư Ra Bắc Vào Nam
Click để xem bìa sau

Những Cánh Thư Ra Bắc Vào Nam

Những Cánh Thư Ra Bắc Vào Nam Lượt xem: 846 người
Sách Phát Triển Bản Thân, Sách danh nhân thế giới, Triết gia, chính trị gia, nhà quân sự
Những Cánh Thư Ra Bắc Vào Nam 0 Vote

Trong vô số những kỷ vật Đại tướng Nguyễn Chí Thanh để lại, có một tập tài liệu mỏng, giấy đã ngả màu, nhiều trang khó đọc, có trang đã nát bụi thời gian, phải tra bằng kính lúp và dò từng chữ. Những nét chữ khỏe khoắn, cứng cáp, kiểu chữ của những người thế hệ trước đây, chứ không giống chữ học trò ngày nay. Đấy là tập 73 bức thư gia đình viết trong gần 20 năm (1948-1967), về cơ bản là thư của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gửi cho vợ là bà Nguyễn Thị Cúc (67 thư), bên cạnh ba bức thư ông gửi cho con, hai bức thư bà Cúc gửi ông Thanh, và hai bức thư con gái gửi cho ba mẹ.

Có những bức thư đã được trích đăng trong các tác phẩm trước đây, nhất là trong cuốn "Nguyễn Chí Thanh - Sáng trong như ngọc một con người" (Trần Công Tấn, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2008). Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6-7-1967 - 6-7-2017), tập tài liệu này được in lại trọn vẹn. Đọc mỗi lá thư như dò tìm trở lại từng bước chân trên cả con đường của một con người, một gia đình, những khắc khoải cách xa, những lo âu trĩu nặng, những dặn dò ân cần, những niềm vui, những khao khát trong lòng người chồng, người cha đang gánh vác biết bao nhiệm vụ nặng nề.

Tuy không phải là toàn bộ những bức thư mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã viết cho gia đình, nhưng 67 bức thư ông viết đã dắt ta đi trở lại qua ba đoạn đường chính. 

Từ năm 1948 đến năm 1953 là hơn 40 bức thư trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những bức thư viết trên đường từ Huế ra Liên khu 4, từ Liên khu 4 ra Việt Bắc, những bức thư viết khi rời Chiến khu Việt Bắc lên đường đi chiến dịch. 

Trong giai đoạn hòa bình trên miền Bắc 1954-1962, có 19 bức thư được viết khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đi công tác các tỉnh, tháp tùng Bác Hồ đi dự Hội nghị các Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế, hay về thăm Quảng Bình. Trong giai đoạn này có một năm đặc biệt: Năm 1962, khi bà Nguyễn Thị Cúc bị ốm và phải đi chữa bệnh ở Bắc Kinh. Trong vòng chín tháng, ông Thanh đã gửi cho bà Cúc tới 15 thư, gửi bưu điện, và gửi bất cứ ai có dịp đi công tác qua bên đó. Riêng trong thời gian tháng 8-1962, ông đã viết đến bốn bức thư. Trên chiến trường miền Nam chống đế quốc Mỹ, từ năm 1963 đến năm 1967, còn lưu lại trong tập tài liệu này tất cả 17 thư. Theo như nội dung các bức thư, thời gian này Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhận được nhiều thư của các con, nhưng lưu lại trong tài liệu này chỉ còn hai bức, kèm hai bức thư của bà Nguyễn Thị Cúc gửi cho chồng. Cũng trong giai đoạn này, ông Thanh đã có ba bức thư gửi riêng cho các con, cùng với 10 bức thư gửi cho vợ. Những lá thư chiến trường, nhưng không hề có mùi bom đạn, vì nguyên tắc bí mật, nên toàn nói theo kiểu ám chỉ xa xôi. Ví như một đoạn thư sau đây của bà Cúc: "Anh Thao ơi! Cúc dặn nhé: Công việc làm ăn của anh nặng nhọc nhiều, anh cố bồi dưỡng để đủ sức làm ăn lâu dài anh nhé. Cúc chỉ mong anh đừng ốm đau, làm ăn ngày càng phát tài hơn nữa, thu thập ngày càng cao hơn nữa là Cúc và tất cả gia đình mừng thôi" (thư viết tháng 8-1965).

Trong tất cả 73 bức thư trao đổi, danh xưng Cúc - Thanh thường chỉ sử dụng trong những năm tháng hòa bình. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, bí danh Chính - Tâm là phổ biến, còn thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ, tên gọi đó là Nam - Lý. Thao là một tên khác trong giai đoạn đi B của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như trong bức thư trích ở trên.

Lá thư đầu trong tập này đề ngày 25-1-1948. Thư của chồng tên Chính viết từ Quảng Bình, gửi cho vợ tên Tâm ở Chiến khu Trị Thiên. Thư vẻn vẹn có 47 từ. Giấy viết thư có lẽ xé từ một quyển vở khổ nhỏ (ngày xưa gọi là khổ vở 3 hào 6, để phân biệt với khổ lớn là khổ 5 hào 2, theo cách gọi sau này vào những năm 50 - 60 của thế kỷ XX). Thư đã ngắn, nhưng không ngắn bằng lá thư tiếp sau, ngày 19-3-1948: chỉ có 35 từ. Đây chính là thư ngắn nhất trong toàn tập thư. Lúc ấy Nguyễn Chí Thanh 34 tuổi. Thư cũng chỉ là một lời nhắn hỏi giản dị, nói về một cơn mưa. Bây giờ gần 70 năm sau, đọc lại, vẫn như thấy cảnh chiến trường ngày ấy, với những cơn mưa day dứt.

Trong tất cả những bức thư của Nguyễn Chí Thanh, không có bức thư nào viết dài. Câu viết ngắn gọn, đơn giản. Trong lá thư cuối cùng vào cuối năm 1965, ông viết, sau khi nhận được một lá thư hiếm hoi từ hậu phương: "mừng quá, vì đã hơn 2 tháng nay chưa nhận được thư mới, và anh đã gởi ra tất cả là 3 lá thơ từ 5 đến tháng 7. Có một lá nữa anh do cầm đi chậm có lẽ còn ít lâu nữa mới đến… Nghe cả 4 con đều mạnh khỏe và học khá ba mừng. Ba mong các con khỏe hơn, học khá hơn, lao động khá hơn và nhất là trau dồi đạo đức cho tốt vì nó là cái gốc của con người…. Nghe bà khỏe, mừng lắm, còn cả Cúc khỏe nữa, anh mừng lắm…". Một đoạn thư ngắn mà nhắc đi nhắc lại đến bốn chữ "mừng". Mừng vì nhận được thư, mừng vì con mạnh khỏe và học khá, mừng vì mẹ khỏe và mừng vì vợ khỏe nữa. Đọc thư mà như hình dung ra một nụ cười hạnh phúc nở trên môi người đàn ông xa nhà, trong một lán trại tiền phương, ngày mỗi ngày giữa chiến trường luôn ngóng về hậu phương. Nụ cười có được sau đằng đẵng đợi chờ đầy âu lo. Đây là một trong những bức thư dài nhất, cũng chỉ 327 từ. Ngắn và giản dị, nhưng nội dung thì bề bộn. Mỗi việc, mỗi người chỉ có thể dành ra một câu ngắn. Mỗi năm chỉ có vài thư như vậy, từ tiền tuyến chuyển về hậu phương, như với bao người lính khác trong giai đoạn ấy.

Chúng ta đã đọc những bài báo của Đại tướng với bút danh "Trường Sơn" - những bài viết làm nức lòng dân tộc trong những năm đánh Mỹ. Chúng ta quen với một giọng văn đanh thép, sắc sảo, hào hùng, một tư duy sáng suốt đầy sức thuyết phục, một thái độ tận tụy, kiên trung quyết tâm chiến đấu và sẵn sàng hy sinh. Chúng ta cũng biết đến những bài nói sảng khoái, chân tình khi vị tướng nông dân lội bùn trên những cánh đồng hợp tác, điểm xuyết những câu hò man mác những triền sông. Chúng ta cũng đã đọc những câu chuyện phảng phất màu sắc huyền thoại nhưng lại rất thực, kể về một cán bộ lãnh đạo cao cấp cõng cấp dưới qua suối, hay một chỉ huy quân đội "bênh vực" một làn điệu quan họ. Bây giờ, đọc lại những bức thư viết từ khoảng xa là 69, gần là 49 năm trước, ta gặp lại vẫn Nguyễn Chí Thanh ấy, nhưng trong nỗi chờ mong thư vợ, mong đến mức tỷ mẩn đếm từng lá thư, băn khoăn đến mức so sánh số thư gửi đi với số thư nhận được, rồi nghĩ ra đủ thứ lý do để mà lo lắng, băn khoăn, nào là ốm đau, nào là giận hờn, nào là bom lửa… Ta thấy vị Đại tướng ngày nào sao mà gần gũi, sao mà thân thương, trong những khía cạnh hết sức đời thường. Giống như tôi, giống như bạn. Những lá thư trở nên tư liệu lịch sử đầy tính nhân văn.

Người viết thư - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, mất đi vừa tròn 50 năm. Người nhận thư, bà Nguyễn Thị Cúc, ra đi cũng 37 năm rồi. Đã bao lần bà Cúc giở ra đọc đi đọc lại những lá thư của chồng? Chắc bà đã đọc rất kỹ, đã suy tư rất nhiều, và không ít nước mắt. Trong 13 năm chồng đi xa, bà ở lại một mình nuôi bốn con đang còn thơ dại, trong những năm tháng chiến tranh mỗi người mỗi ngả, trong những năm đầu hòa bình còn muôn vàn khó khăn, chắc chắn những dòng thư ấy đã luôn luôn là một điểm tựa để bà dựa vào mà bước lên qua mọi gian nan, thử thách. Chắc chắn bà mãi mãi khắc ghi trong lòng mối tình của ông dành cho bà, của một người chồng hết sức thật thà, người chồng luôn ở những chỗ khó khăn, luôn đứng ở tuyến đầu, luôn sẵn sàng gánh chịu mọi vất vả hy sinh, cho mọi người và cho vợ con mình. Bà tự hào vì điều đó, ngay cả khi chính vì thế mà bà chịu không ít thiệt thòi. Tập thư được in lại trọn vẹn hôm nay, là một nén hương thơm thành kính dâng lên ông bà.

Trong tập sách này, bức thư cuối cùng ông Nguyễn Chí Thanh viết là vào cuối năm 1965. Lúc đầu năm, ông Nguyễn Chí Thanh đã nhận được thư của con gái, những người con đầu của ông. Ông mừng lắm và lập tức viết trả lời, ngày 15-2-1965: "Các con. Ba đã nhận được thư của các con, hay lắm ". Cuối bức thư này, ông viết: "Ba hôn các con và gửi các con cái bút chì làm quà", còn phía trên, ông dặn: "Ba dặn cu V (Nguyễn Chí Vịnh - BS) phải đối với bạn bè tử tế nhá, lo mà học đấy". Trong lá thư "Gởi Lý và các con yêu mến" trước đó, ký tên Nam, trong những ngày đầu xa cách tiền tuyến - hậu phương, Ba Nguyễn Chí Thanh đã dặn: "Ba dặn dò các con phải ngoan hơn nữa, phải chịu khó lao động, ra sức học tập. Đối với bạn bè cho thật tốt, thật thà, ngay thẳng, lễ độ, khiêm tốn, người khác sao thì mình vậy". Tháng 11-1965 là một tháng đặc biệt: trong tháng này ông Thanh viết một lúc ba lá thư gửi về Hà Nội. Bên cạnh lá thư gửi cho bà Cúc là hai lá thư riêng biệt gửi cho hai con gái lớn. Lá thư thứ nhất "Hà yêu mến của Ba", lá thư thứ hai "Bé yêu mến của Ba", cả hai lá thư đều cùng một kết thúc như nhau: "Hôn con. Ba yêu mến".

Lúc này Vịnh còn bé lắm. Trong các thư trước, Vịnh chỉ toàn nhờ mẹ nhắn tin, mãi tới tháng 10-1965, bà Cúc mới viết: "Cu Vịnh mẹ phụ trách, mỗi ngày học 1 chữ và tập viết 2 bài. Vịnh học nhanh nhưng ham chơi, và thích lao động hơn học. Vịnh bảo: "mẹ cho con học buổi tối, học ban ngày con không nhớ được đâu" nên mẹ tạm thời phải chiều, cứ tối trước khi đi ngủ học ½ tiếng. Lần này Vịnh gửi ảnh cho ba tự tay viết lấy, không cho mẹ cầm tay như trước nữa". Lúc ấy Vịnh còn nhỏ, chưa đến trường, học vỡ lòng là do mẹ dạy. Chỉ tiếc rằng những bức thư Hà, Bé, Tý, Vịnh gửi cho Ba Thanh như vậy sau ngày Ba Thanh đột ngột ra đi đã bị thất lạc. Nhưng có lẽ chỉ đôi dòng trích lại trên đây cũng gợi nhớ rất nhiều cho những người con biết bao kỷ niệm thân thương, tự hào và đau đớn về người cha đã ra đi quá sớm của mình.

Cho nên, những bức thư được in chung trong một cuốn sách lần này cũng là một món quà vô cùng quý giá cho Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Thị Kim Sơn, Nguyễn Thị Thành và Nguyễn Chí Vịnh. Khi Ba Thanh mất đi, họ còn là những đứa trẻ. Họ đã lớn lên mà không còn sự che chở, bao bọc trực tiếp của Ba. Rồi họ trưởng thành, xứng đáng với tình yêu và sự nhắn nhủ Ba Thanh để lại. Họ đã học, đã lao động, và đã trau dồi đạo đức đúng như Ba Thanh mong muốn. Những lá thư này là một di sản Ba Thanh để lại, dành riêng cho họ, để họ truyền lại cho mãi mãi những lứa cháu con sau này.

Bây giờ, trong gia đình, những đứa cháu nội ngoại của Ba Thanh đã lớn dần, lại có cả những đứa cháu gọi ông bà bằng cụ. Những đứa trẻ không biết mặt ông bà, nhưng nghe và đọc về ông bà rất nhiều, hiểu thấm thía về ông bà qua không biết bao nhiêu câu chuyện kể. Rồi đây, khi lớn lên, chúng sẽ đọc tất cả những lá thư ông đã gửi cho bà, vài lá thư ông đã gửi cho con trai, con gái, như những giọt sữa sẽ tiếp tục nuôi dưỡng chúng trong cả cuộc đời, như những dòng máu tiếp tục chảy trong huyết quản của chúng, không bao giờ ngưng nghỉ.

Những bức thư chứa đựng những câu chuyện dài của cả gia đình.

Xem thêm
Thông tin tác giả
Thông tin chi tiết
Tác giả Bùi Chí Trung , Vũ Công Lập
Nhà xuất bản Nxb Quân đội nhân dân
Nhà phát hành Thăng Long
Giá bìa 125.000 vnđ
Khối lượng 352.00 gam
Ngôn Ngữ Tiếng Việt
Kích thước 15 x 22 cm
Ngày phát hành 02/08/2019
Số trang 240
Cuoc-thi-review-sach-topsach.vn
Nhận xét từ bạn đọc
Đánh giá trung bình
4.5/5
star star star star star>
0 vote
GỬI NHẬN XÉT CỦA BẠN
  • Đánh giá của bạn về sản phẩm này:
  • Tiêu đề của nhận xét
Đăng nhập để nhận xét