Người Có Trái Tim Trên Miền Cao Nguyên Và Những Truyện Ngắn Khác
(Người có trái tim trên miền cao nguyên - William Saroyan, Nguyễn Huy Tưởng dịch, NXB Văn Nghệ)
Như tấm tranh bìa sách của Marc Chagall, những câu chuyện của Saroyan hồn nhiên, nguệch ngoạc và tươi vui. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn một chút, nơi những góc khuất, nơi phần chìm của vệt màu đỏ tươi, rất có thể là tiếng thở dài, thậm chí là nỗi buồn, rất buồn.
Nhưng điều đó còn chưa thâu tóm hết mỗi câu chuyện ngăn ngắn trong tập sách, sau những dòng chữ cuối cùng bao giờ cũng là một không gian mênh mang, có thể là của khát vọng, cũng có thể là sự cô độc. Saroyan chừa quyền lựa chọn cho người đọc.
Nhân vật chính của chuyện có thể là người nghệ sĩ "có trái tim trên miền cao nguyên Scotch" ra đi từ viện dưỡng lão, cậu thiếu niên lỡ "chôm" cái xe đạp ven đường, thằng bé luôn miệng cười để bán được một quả cam hay gã nhà văn có 1 xu mòn nhẵn...
Những nhân vật rất bình thường, thậm chí tầm thường, những mẩu chuyện khơi khơi mà mỗi ngày bạn sống bạn thấy đến hàng trăm chuyện, toàn bộ quyển sách là một cuộc sống thật thu nhỏ, thật đến nỗi bạn như ngửi thấy mùi mồ hôi, thấy được những vết xước rất nhỏ. Khổ công cho người đọc nào muốn tìm kiếm ở nhà văn nổi tiếng này những bứt phá về kỹ thuật hay cấu trúc. Mỗi câu chuyện đều được viết ra một cách nhẹ nhàng và đơn giản nhất. Kể ra như hơi thở!
Có thể chuyện ông nói nhiều về những người nhập cư tại Mỹ cùng lòng hoài cố quốc của họ, nhưng đó tuyệt không phải là chủ đề chính. Một trận đánh nhau của hai chú bé 5 tuổi, một người Đức và một Slave, còn thằng bé Do Thái đứng khóc hoài bên một góc phố tồi tàn, có gì đặc biệt? Tác giả vui miệng kể về cách thằng bé người Đức tập đi đứng hiên ngang, cái tính bất cần, chơi tới nơi của chú Slave. Còn thằng bé đứng khóc, Saroyan bảo "tôi chỉ có thể nghĩ nó khóc vì sự hiện hữu tai ác của lòng thù hận...", dù "nó cũng chỉ là nhân chứng như tôi".
Một trận đánh nhau của hai đứa trẻ mang niềm cay đắng của những người rất lớn, những thứ mà rất có thể chúng không muốn dự phần. Hay bạn nghĩ thế nào về cậu bé ăn cắp xe đạp, sau lúc xấu hổ ban đầu đã quên mất mình làm thế nào để có nó, và nguyền rủa hết lời thằng ăn cắp chiếc xe đạp mà cậu đã ăn cắp. Hay anh chàng nhà văn, chìm vào cơn hôn mê bởi cơn đói đã thấy mình vụt bay trên chiếc đu bay miên viễn giữa cơn mơ chữ khổng lồ... Tất cả đều có gì đó lạ lùng để nói, để kể, để bạn cười rồi nhíu mày vì cơn đau đã đột nhập đâu đó vào tim.
Sách được dịch bằng giọng văn rất lạ, bình dân và tếu táo, giọng văn có vẻ là hợp nhất cho một nhà văn khác lạ kiểu Saroyan. Giọng văn không xem điều gì là quan trọng, nhưng cũng vì thế mà tôn trọng hết thảy mọi hoạt động con người. Vì lẽ mỗi ngày, mỗi hành động của chúng ta đều là cách chúng ta đi trên một chiếc đu bay đến cõi vĩnh hằng, hãy đu bay một cách khinh khoái nhất. Saroyan không thích sự trầm trọng, vì thế khi nghe nhận xét này có thể ông thốt ra một câu như trong sách: "khổ quá cha nội, cái quái quỉ gì vậy chớ!".
Vương Thuấn
Xem thêmTác giả | William Saroyan |
---|---|
Nhà xuất bản | Nxb Văn Nghệ TP.HCM |
Nhà phát hành | Đông Tây |
Giá bìa | 125.000 vnđ |
Khối lượng | 240.00 gam |
Ngôn Ngữ | Tiếng Việt |
Kích thước | 13,5x20,5 cm |
Ngày phát hành | 02/08/2019 |
Số trang | 284 |
- Đánh giá của bạn về sản phẩm này:
- Tiêu đề của nhận xét