Mênh Mông Chật Chội (Tiểu Luận - Phê Bình Văn Học)

Mênh Mông Chật Chội (Tiểu Luận - Phê Bình Văn Học)

Mênh Mông Chật Chội (Tiểu Luận - Phê Bình Văn Học) Lượt xem: 326 người
Sách Văn học Trong Nước, Phê bình văn học trong nước
Mênh Mông Chật Chội (Tiểu Luận - Phê Bình Văn Học) 0 Vote

“Lấy một nửa tên một bài viết trong sách làm nhan đề chung, cuốn Mênh mông chật chội… này không nhắm tới một tính chặt chẽ hay nhất quán nào trong bố cục, tác giả cũng không gắng tạch bạch những “tính” phê bình, “tính” nghiên cứu hay “tính” tiểu luận được thể hiện đậm hay nhạt ra sao trên từng bài viết.

Đưa vào trong cùng một quyển sách những bài mình viết ra trong khoảng mười năm gần đây, dù về văn chương hiện thời hay trước kia, dù nói về việc trong hay ngoài văn chương, tôi tin rằng, dấu ấn riêng của tay bút mình, trong cùng một khoảng thời gian, - nếu tay bút mình quả có dấu ấn riêng, - sẽ bộc lộ sự nhất quán của nó, ngay khi mình viết về những thứ khác nhau, của hiện tại hay của xa xưa, trong văn chương hay ngoài văn chương” ( Lại Nguyên Ân)

Mục lục:

Lời dẫn

Thăng Long – Hà Nội, một không gian cho những cấu tứ thơ văn

Tuỳ bút về không gian Hà Nội

Tản mạn về cây trong phố

Mênh mông chật chội, chật chội mênh mông

45 phút xuất thần của ý thức văn học

Vẫn trong vũ điệu của cái bô!

Nhìn thẳng vào thực trạng

Phê bình văn nghệ và đời sống xã hội

Việc lớn trước mắt: chuyển các Hội Văn học nghệ thuật về đời sống dân sự

Vẫn ăn bám thì không thể sống khoẻ

……

Mời bạn đón đọc.

N.V.N

(Nguồn: Báo SGTT)

Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu tới độc giả một số bài viết của nhà phê bình Lại Nguyên Ân về Hà Nội- một không gian kiến trúc, văn hóa vô giá. Các bài viết được trích từ cuốn sách mới nhất của tác giả: Tập tiểu luận - phê bình văn học MÊNH MÔNG CHẬT CHỘI, do NXB Tri thức phát hành tháng 3 năm 2009.

Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu tới độc giả một số bài viết của nhà phê bình Lại Nguyên Ân về Hà Nội- một không gian kiến trúc, văn hóa vô giá. Các bài viết được trích từ cuốn sách mới nhất của tác giả: Tập tiểu luận - phê bình văn học MÊNH MÔNG CHẬT CHỘI, do NXB Tri thức phát hành tháng 3 năm 2009.

Tôi thường nghe người chung quanh nói điều này, vừa như khẳng định, vừa như đòi cắt nghĩa: Làm sao mà nhiều bài hát hay về Hà Nội đến thế, hơn hẳn các địa danh khác trong nước? Làm sao ư? Điều này tưởng dễ cắt nghĩa, vậy mà cũng chẳng dễ chút nào. Từ thời là thành Tống Bình, thành Đại La, rồi trở thành kinh đô Thăng Long của nhà Lý nhà Trần, Đông Đô của nhà Lê, đất Hà Nội đã là trung tâm đời sống chính trị, xã hội và văn hóa của Đại Việt. Ngay khi Hà Nội chỉ còn là cố đô trong suốt triều Nguyễn, tại miền Bắc cũng không có một trung tâm thứ hai nào ngoài Hà Nội. Những ai muốn lập công, lập thân, lập danh, trước sau đều phải lần lượt đến mảnh đất này thử tài, thử chí, thử vận may. Dấu chân các danh tài, danh sĩ, thời này qua thời khác, ngày nọ nối ngày kia, giẫm chồng lên nhau trên đất Thăng Long-Hà Nội. Mọi cảnh quan nơi đây đều được nhìn kỹ, nhìn lâu, nhìn nhiều hơn ở mọi nơi khác.

Các địa danh từ chỗ là những ký hiệu địa lý thuần tuý, khi đi vào ký ức, dần dần tích luỹ vào mình những hàm nghĩa tinh thần, trở thành ký hiệu về những không gian huyền thoại truyền kỳ, hoặc chí ít cũng 1à không gian trữ tình, không gian kỷ niệm... Cảnh rừng cây rậm rạp và mặt nước mênh mông vùng Hồ Tây thời Lý-Trần đã khơi nên những huyền thoại về vũng Trâu Vàng, đầm Xác Cáo. Sương mù dày đặc trên hồ trở thành đồng loã với âm mưu thanh trừng Tiến sĩ Lê Văn Thịnh trong truyền thuyết về viên quan hóa hổ dọa vua. Đến thời Lê, sinh hoạt của con người đã tiến sát tới mép hồ ở nhiều phía, khiến Thánh mẫu Liễu Hạnh xuất hiện nơi đây trong những dáng vẻ đã khá gần với thế gian, như một kỳ nữ cùng ngâm vịnh trên du thuyền với các danh sĩ, như một nữ chủ quán bí ẩn hấp dẫn khách văn chương.

Những năm 1940, cảm quan về sự thay đổi phát lộ qua lời thơ của những thi sĩ mẫn cảm. Rồi những đổi thay đã tới. Nhưng đất Thăng Long-Hà Nội vẫn còn đó, như một không gian địa lý thực tại và như một không gian tinh thần luôn luôn được bồi thêm các sắc thái ngữ nghĩa, cung cấp chất liệu và dung chứa những kết quả sáng tạo.

Lại Nguyên Ân

(Nguồn: Báo Tuần Việt Nam)

So với ba tập tiểu luận - phê bình trước đây của cùng tác giả (Văn học và phê bình; Đọc lại người trước, đọc lại người xưa; Sống với văn học cùng thời), thì cuốn Mênh mông chật chội... vừa được xuất bản của Lại Nguyên Ân dày dặn, đa dạng và cũng... khó đọc hơn.

So với ba tập tiểu luận - phê bình trước đây của cùng tác giả (Văn học và phê bình; Đọc lại người trước, đọc lại người xưa; Sống với văn học cùng thời), thì cuốn Mênh mông chật chội... vừa được xuất bản của Lại Nguyên Ân dày dặn, đa dạng và cũng... khó đọc hơn.

450 trang chữ nhỏ với 34 bài viết dài ngắn không đều, chủ đề khác nhau, cách viết cũng không thuần nhất. Có lẽ để khích lệ người đọc chuẩn bị tinh thần đi cho hết cuốn sách, tác giả đã "giáo đầu" bằng bốn bài viết giàu chất thơ, như những bút ký văn học. Thơ, nhưng vẫn rõ chất giọng của nhà nghiên cứu, như khi tác giả truy tìm gốc tích và con đường đi của các loài hoa mộc lan, mai anh đào. Tôi có cảm giác tác giả viết những bài này ở những khoảng lặng giữa thời gian miệt mài trầm mình trong dòng chảy văn học. Lại Nguyên Ân không phải là người viết nhân các lễ lạt, nhưng những bút ký về đất, cây và người Hà Nội in vào dịp chuẩn bị nghìn năm Thăng Long - Hà Nội cũng thật ý nghĩa.

Nếu những bài bút ký trên tạo nên nét lạ cho ngòi bút tác giả, thì sáu bài viết tranh biện về những vấn đề giáo dục, xuất bản, phê bình văn học, hoạt động của các hội nghề nghiệp... là sự tiếp nối ý thức xã hội và tính chất luận chiến đã thành một nét rất quen thuộc của phong cách phê bình Lại Nguyên Ân. Có thể đồng ý hay không đồng ý với tác giả, có thể phản bác hay thảo luận cùng ông để tìm một giải pháp "khả thi" cho những căn bệnh trầm kha của văn học, nhưng không thể không chia sẻ tinh thần trách nhiệm của một người đã nhập cuộc hết mình với cuộc sống để có thể hiểu biết và nói được tận tường về nó.

Đọc ba bài viết viết về tác phẩm của Tô Hoài, Võ Thị Hảo, Đồng Đức Bốn, ta như gặp lại giọng điệu phê bình từ tốn của Lại Nguyên Ân trong những cuốn sách trước. Dù ở đây, những phát hiện nghệ thuật đã được nâng lên cả ở quan niệm văn học lẫn tầm nhìn thi pháp, nhưng vẫn có cảm tưởng rằng, trong mục tiêu nghề nghiệp của mình, Lại Nguyên Ân không còn dành sự quan tâm cho những hiện tượng mới trong sáng tác như thuở mới vào nghề.

Nói đến bề dày và sự khó đọc của cuốn sách, tôi chủ yếu muốn nói đến 21 tiểu luận mà tác giả xếp ở phần sau. Có thể cho rằng phần khó đọc này chính là phần đóng góp lớn nhất của Lại Nguyên Ân cho khoa nghiên cứu - phê bình văn học hiện nay. Người ta sẽ không ngạc nhiên về điều này nếu theo dõi quá trình làm việc cẩn trọng và kiên trì của tác giả mấy chục năm nay: từ việc biên soạn, dịch thuật những từ điển văn học, cả về lý thuyết lẫn lịch sử, đến việc sưu tầm, khảo sát và bình chú tỉ mỉ những văn bản và tư liệu gốc thuộc loại quý hiếm.

Những gì tác giả thu hoạch sau nỗ lực tìm tòi, kiểm chứng và thẩm định về những cuộc tranh luận chung quanh thơ Nguyễn Đình Thi và tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu, về tuần báo Bắc Hà và tuần báo Trăm hoa, về Tinh huyết của Bích Khê và Tây phương mỹ nhân của Huỳnh Thị Bảo Hòa... không chỉ là những cứ liệu để đính chính và bổ sung cho những khoảng trống trong văn học sử, một văn học sử sống động chứ không phải chết dí trong những khuôn khổ đông cứng, mà còn có khả năng mở ra những viễn tượng mới cho sự nhìn nhận con đường phát triển của văn học Việt Nam thế kỷ 20. Những ai quan tâm và yêu mến hai nhà văn có số phận đặc biệt của thế kỷ 20 là Phan Khôi và Vũ Trọng Phụng, còn phải chịu ơn Lại Nguyên Ân, người đã không tin rằng di sản của hai ông đã được khai thác và định hình đầy đủ, và đã góp phần thực sự cho việc xây dựng bộ tổng tập tác phẩm hoàn chỉnh của hai nhà văn ấy trong tương lai.

Ở nước Nga nửa đầu thế kỷ 20, những nhà nghiên cứu thuộc trường phái Hình thức như B.Eikhenbaum, B.Omashevski, Yu.Tynianov, khi không có điều kiện tiếp tục bàn về lý thuyết, đã tận hiến thời gian còn lại của đời mình cho công tác văn bản học. Nhờ tầm nhìn sâu rộng và lao động nghiêm túc của họ mà toàn tập các tác gia cổ điển mới được ra đời. Nhưng đó là một con đường gian nan, đòi hỏi nhiều hy sinh. Xem cung cách mà Lại Nguyên Ân thao tác trên văn bản tiểu thuyết Giông tố của Vũ Trọng Phụng, tác phẩm báo chí của Phan Khôi, tác phẩm của phong trào Thơ Mới..., ta vừa khâm phục tài năng và sự mẫn cảm của nhà nghiên cứu, vừa thấy buồn phiền khi nhận ra ngày nay, trong học giới, những người say mê và hết lòng với văn học dân tộc như thế ngày càng trở nên hiếm hoi.

Mênh mông chật chội..., nhan đề của tập sách được tác giả lẩy ra từ một bài viết về không gian nông thôn và đô thị đã trở thành hoàn cảnh có tính chất định mệnh của những trí thức và văn nghệ sĩ một thời. Có thể mượn hình ảnh ấy để nói về không gian của chính văn học. Nơi này, lúc này mênh mông; nơi khác, lúc khác chật chội: đó là một cách nghĩ. Tuy nhiên, cái tình thế mênh mông hay chật chội có phần do tâm thế của ta, muốn mênh mông thì nó mênh mông, bằng không thì ngược lại.

Nếu ta còn sẵn lòng yêu thì vẫn còn rất nhiều đất để dụng võ, một đời dẫu cày xới mãi cũng chưa biết bao giờ mới xong...

Huỳnh Như Phương

(Nguồn: Báo Thanh Niên)

Xem thêm
Thông tin tác giả
Thông tin chi tiết
Tác giả Lại Nguyên Ân
Nhà xuất bản NXB Tri thức
Nhà phát hành VNN Publishing
Giá bìa 125.000 vnđ
Khối lượng 550.00 gam
Ngôn Ngữ Tiếng Việt
Kích thước 14x20.5 cm
Ngày phát hành 02/08/2019
Số trang 452
Cuoc-thi-review-sach-topsach.vn
Nhận xét từ bạn đọc
Đánh giá trung bình
4.5/5
star star star star star>
0 vote
GỬI NHẬN XÉT CỦA BẠN
  • Đánh giá của bạn về sản phẩm này:
  • Tiêu đề của nhận xét
Đăng nhập để nhận xét