Thế Giới Xô Lệch
Click để xem bìa sau

Thế Giới Xô Lệch

Tác giả: Bích Ngân
Thế Giới Xô Lệch Lượt xem: 244 người
Sách Văn học Trong Nước, Tiểu thuyết việt nam
Thế Giới Xô Lệch 0 Vote

"...Tấm ảnh gia đình trong ngày cưới đối với tôi trở thành một điều gì đó thật quý giá. Trong luồng sáng chiếu rọi đâu đó từ ký ước, từ những cuộc gặp gỡ rồi chia lìa, từ khổ đau và hạnh phúc, từ những mất còn, không chỉ là của riêng tôi, nó cũng đặc biệt không kém sự kiện đêm tân hôn của đời tôi.

Tôi lại đem gương mặt và cuộc đời của ba tôi, má tôi, chị tôi, anh tôi, chị dâu tôi, cháu tôi, cô tôi và chú tôi; đặt gần rồi đặt xa cùng với những hình ảnh ông tôi còn sót lại trong trí nhớ, và của bà tôi nữa, người tôi chỉ biết qua lời kể của má. Tôi lờ mờ nhận ra, trước mặt, rồi sau lưng của mỗi người là khoảng trống và giữa các thành viên của đại gia đình, cũng là khoảng trống.

Khoảng trống vô hình đó hình như là nơi trú ngụ của bóng tối. Tối và thật nhiều gió.

Thấy lạnh, tôi kéo mền lên tới cằm.

Khoảng trống đó như vẫn hiện diện cùng với những cuộc đời được kết chặt với nhau bằng hôn nhân, bằng huyết thống, bằng lời nguyền, bằng luật lệ gông cùm của lề thói, của hưdanh. Cả anh rể tôi nữa, người không có mặt trong bức ảnh gia đình nhưng vẫn không thoát khỏi vòng dây buộc ràng của số phận. Anh vẫn hiện diện bằng dấu ấn hình hài anh lên nét mặt con trai anh và lên dáng vẻ cô đơn âm thầm trong nỗi khát khao tìm kiếm thứ hạnh phúc chơi vơi nhọc nhằn nơi chị tôi..." (trích Thế giới xô lệch)

Mời bạn đón đọc.

 

Gần 5 năm kể từ khi nhận được giải thưởng Hội Nhà văn TPHCM với tác phẩm Người đàn bà bơi trên sóng, nhà văn Bích Ngân mới "tái xuất" với 3 cuốn sách được xuất bản cùng một thời điểm: tiểu thuyết Thế giới xô lệch, tập truyện Làn gió hôm qua và truyện cười Trăng mật ở đảo.

Nếu hai tập truyện ngắn và truyện cười tập hợp những tác phẩm đã được đăng rải rác trên các báo trong thời gian qua của Bích Ngân thì Thế giới xô lệch lại là tác phẩm được ấp ủ và ám ảnh chị suốt hơn 17 năm ròng. Bích Ngân nói những gì nhìn thấy ngày xưa không mất đi theo thời gian mà cứ lớn dần lên trong nỗi ám ảnh thao thức của chị.

Để đến một lúc, tất cả những hình ảnh của đời vận vào cảm xúc của người viết và thoát thai thành những trang chữ đầy nỗi đau. Những vết cắt của số phận giằng xé cả cuộc đời nhân vật như thấm vào tâm thức của người đọc, để thấy một thế giới xô lệch trước mắt, hữu hình.

Không gian truyện chỉ gói gọn trong một gia đình với 6 con người xoay tròn như một viên xúc xắc, đầy vơi nỗi niềm. Một người mẹ thương con nhẫn nhục, một người cha cần kiệm liêm khiết cả đời nhưng bị cấp dưới lợi dụng trục lợi trên sự thanh liêm đó. Một người chị ruồng bỏ gia đình chạy theo tình yêu...

Tâm bão chính là nhân vật tôi - đứa con út trong gia đình - một người lính trở về từ chiến trường đã không còn nguyên vẹn. Mất đi đôi chân, "tôi" mất cả niềm tin vào hạnh phúc, không dám nghĩ mình còn đủ khả năng để kiểm soát con đường mình đi và không dám chi phối vào cuộc sống của người khác, dù cho đó là những cách sống sai lầm.

Thế giới xô lệch bắt đầu từ tiềm thức ngả nghiêng của con người. Cái mầm dông bão không hiện hữu mà lớn lên từ trong vô thức. Nhân vật tôi gói chặt mình lặng câm trong nỗi mặc cảm mà không nghĩ rằng chính điều đó đi qua thời gian có thể đủ sức tạo thành một cơn dông. "Tôi" ngồi trong góc nhà, quan sát, nhìn thấy và thấu hiểu tất cả những gì đã diễn ra trong chính ngôi nhà thân yêu của mình.

Sự bó hẹp không gian sống đã khiến "tôi" không dám nói lên tiếng nói của chính mình, cho đến ngày "tôi" lấy vợ. Một kẻ tật nguyền không thể tự đóng một cây đinh giăng mùng, không thể tự mua quà cho vợ, "tôi" thật sự nhận ra bi kịch của cuộc đời mình. Bi kịch của một kiếp người nhưng không thể trọn-vẹn-là-người.

Nhà văn dẫn dắt người đọc vào những ngõ ngách suy nghĩ của nhân vật, để cùng nhận ra rằng "cái thế giới xô lệch chực ngả nghiêng chao đảo, bất ngờ được kéo lại, được vực dậy và được giữ thăng bằng bởi sức mạnh của sẻ chia" khi những người thân yêu đã tìm thấy nhau. Một cái kết có hậu cho những tâm hồn bị tổn thương. Tiểu Quyên (Nguồn: Báo Người Lao động)

"Thế giới xô lệch" - Tiểu thuyết của nhà văn gốc Cà Mau Bích Ngân, tác giả của 6 tập truyện ngắn, 3 kịch bản sân khấu đã xuất bản. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Bích Ngân với không gian truyện chỉ gói gọn trong 1 gia đình với 6 thành viên trong mối quan hệ tình cảm ruột thịt với đầy những nỗi niềm.

Thông qua cái nhìn của nhân vật "tôi" - người con út trong gia đình, trở về từ chiến trường với thân thể không còn vẹn nguyên - "thế giới xô lệch" trong 1 gia đình được tái hiện đầy ắp những dằn vặt. Ấy nhưng, "cái thế giới xô lệch chực ngã nghiêng chao đảo, bất ngờ được kéo lại, được vực dậy và được giữ thăng bằng bởi sức mạnh của sự sẻ chia". NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Book liên kết ấn hành năm 2009.

L.N.G

(Nguồn: Báo Lao động)

Trong tiểu thuyết đầu tay của Bích Ngân, Thế giới xô lệch, câu chuyện gói gọn chỉ trong một gia đình, với ba thế hệ. Một gia đình Việt Nam bình thường cùng những câu chuyện rất bình thường của thời hậu chiến - kinh tế thị trường.

Nhân vật của Bích Ngân có vẻ hiền lành so với thực tế ngoài đời. "Kẻ xấu" của chị cũng chỉ xấu một cách vừa phải. Đó là nhân vật Anh Ba, đã biết tận dụng uy tín của ông bố cán bộ, để có một vị trí trong ngành xây dựng, "ăn" các thứ sắt thép, xi măng, xây biệt thự và sống cuộc đời khá phủ phê so với gia đình mình, bên cạnh một cô vợ tầm tầm. Đó cũng là anh tài xế vẫn rút trộm xăng từ chiếc xe riêng của sếp hoặc khai khống tiền sửa xe, suýt trở thành kẻ gây ra bi kịch hôn nhân cho con trai út của sếp.

"Người tốt" của Bích Ngân thì tốt một cách sâu sắc hơn, trong đó có Tôi, nhân vật chính, đã bị mất cả đôi chân trên chiến trường và không thể không trở nên yếm thế, khi ý thức được sự bất lực của mình trong cuộc chiến mới với vũ khí là đồng tiền.

Lơ lửng giữa anh em trai của mình, lãng mạn và sách vở, nhân vật Chị Hai lại đánh mất một thứ vô hình nhưng rất quan trọng sau cuộc nổi loạn nhỏ và ngỡ rằng đã tìm được thứ mà mình khao khát: tình yêu đích thực, được đồng hóa với niềm tin đích thực.

Luôn gánh vác, hy sinh và chịu đựng một cách bao dung như một hiền triết dân gian đầy thấu hiểu, nhân vật Người Mẹ là điểm tựa vô điều kiện và có lẽ vĩnh cửu của cái gia đình ba thế hệ ấy, hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Trong khi đó, nhân vật Người Cha giống như một hình mẫu giản đơn hơn là một con người đúng nghĩa với đầy đủ hỉ nộ ái ố, luôn hành xử theo một quy tắc bất biến, với quan niệm mình sinh ra cho những việc "đại sự" chứ không dành cho những chuyện "nhỏ bé" của gia đình. Khi cần có mặt giữa người thân, ông luôn ngồi vào chiếc ghế dành riêng cho mình (một chiếc ghế cũng không lành lặn mấy), đưa ra những lời truyền phán có tính giáo huấn và răn đe, không thấy chút bóng dáng nào của sự trìu mến thân thương vốn là bản chất tự nhiên giữa những người cùng huyết thống. Và khi ông quyết biến cô con dâu ít học xuất thân nông dân thành một "người nhà nước", ông đã khiến cho con trai út suýt nữa mất vợ...

Từ một truyện vừa là tác phẩm tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du được viết từ năm 1992, Bích Ngân đã phát triển thành một tiểu thuyết 300 trang, trong đó chị đặt vấn đề về sự "xô lệch" trong một gia đình mà mỗi thành viên đều có những bi kịch dù hiển nhiên hay thầm lặng. Ông bà nội, mẹ, cô chú, các anh chị em ruột, dâu rể, và cả một con chó Phèn trung thành, tất cả đều ở trên cùng một vòng quay mà người đứng ở trục trung tâm chính là người cha, người đưa ra quyết định cho vận mệnh những người khác, nhưng lại luôn "vắng mặt" trong ngôi nhà của mình.

Có thể đặt câu hỏi: Tại sao lúc nào ông cũng đặt mình cao hơn người khác, và chỉ luôn phát ra những mệnh lệnh một chiều? Ông đã không độ lượng với người cha lầm lỗi nhưng tại sao ngay với người mẹ bất hạnh của mình, ông cũng không hề có được sự xốn xang để cố đi tìm bằng được nắm xương xiêu lạc của bà? Luôn tin vào sự anh minh công chính của mình nhưng ông lại không ý thức được rằng, con trai tật nguyền của mình là kẻ yếu trong cuộc chinh phục người vợ đẹp nhưng còn đầy mông muội, bản năng...

Người cha chính là nhân vật có tính tiểu thuyết nhất, cho dù chân dung của ông thiếu hấp dẫn, thế nhưng hiểu theo một nghĩa nào đó, ông mới chính là nhân vật có tính "bi kịch" nhất. Cho đến trang cuối của tiểu thuyết, có vẻ như ông đã bắt đầu nhận ra một điều gì đó, nhưng tác giả đã không làm rõ.

Các nhân vật Anh Ba, Tài xế, Cô Vợ đều đã biết quay đầu về phía sáng, cho dù chỉ bởi những tính toán thực dụng, chỉ còn "vấn đề" cuối cùng của tiểu thuyềt: Người Cha. Nếu Người Cha vẫn không chịu thay đổi cái đầu chỉ chấp nhận các định đề, vẫn tin rằng sự bất tử chỉ tồn tại nhờ ở sự tưởng niệm thì, sự bất tử trong đầu ông vẫn còn một khoảng cách quá diệu vợi so với sự bất tử hằng có trong đời thực.

Ngô Thị Kim Cúc

(Nguồn: Báo Thanh niên)

Xem thêm
Thông tin tác giả
Thông tin chi tiết
Tác giả Bích Ngân
Nhà xuất bản Nxb Hội Nhà Văn
Nhà phát hành Phương Nam
Giá bìa 125.000 vnđ
Khối lượng 350.00 gam
Ngôn Ngữ Tiếng Việt
Kích thước 12.5x20.5 cm
Ngày phát hành 02/08/2019
Số trang 310
Cuoc-thi-review-sach-topsach.vn
Nhận xét từ bạn đọc
Đánh giá trung bình
4.5/5
star star star star star>
0 vote
GỬI NHẬN XÉT CỦA BẠN
  • Đánh giá của bạn về sản phẩm này:
  • Tiêu đề của nhận xét
Đăng nhập để nhận xét