Nước Mỹ Nước Mỹ

Nước Mỹ Nước Mỹ

Tác giả: Phan Việt
Nước Mỹ Nước Mỹ Lượt xem: 374 người
Sách Chuyên Ngành, Sách lịch sử hay, Sách lịch sử nước mỹ
Nước Mỹ Nước Mỹ 0 Vote

Hầu hết các truyện ngắn trong tập Nước Mỹ, nước Mỹ này được viết trong vong một tháng sau khi tôi hoàn thành cuốn Tiếng người. Với tôi, chúng làm nên một chỉnh thể thống nhất mà bạn sẽ thấy trong phần chính của tập sách. Ngoài những truyện ngắn này, tôi đưa thêm vào phần cuối tập sách một số truyện ngắn mà tôi gọi là “bonus” vì tôi đã viết từ thời gian trước đó, trong tâm trạng khác. Tôi xin được có một đề nghị nhỏ: nếu bạn hiểu một số hội thoại tiếng Anh trong sách, xin bạn bỏ qua những chú thích bên dưới để tránh việc ngắt mạch dọc.

Tôi xin được cảm ơn một số người đã góp phần rất lớn vào sự ra đời của tập truyện. Những người đầu tiên và quan trọng nhất là gia đình tôi; đặc biệt là chồng tôi, anh Châu Hồng Lĩnh. Anh không chỉ là nguồn tư liệu tham khảo dồi dào cho tôi mà còn là người luôn động viên và khẳng định với tôi rằng phải cực đoan, phải quyết liệt trong theo đuổi sự thật. Anh cũng đồng thời là bằng chứng sống về nguyên tắc lao động đó trong công việc của anh.

Mục lục:

Lời nói đầu

Phần I: Nước Mỹ, nước Mỹ

1. Nước Mỹ, nước Mỹ

2. Tiệc cuối năm tệ nhất trên đời

3. Những ngày ở Việt Nam

4. Canada, Canada

5. Nghiên cứu sinh

6. Ái khanh ơi ái khanh

7. Về tình yêu - Bộ 3 truyện ngắn:

- Về tình yêu: Tuổi 18

- Về tình yêu: Tuổi 23

- Về tình yêu: Tuổi 28

8. Cách mạng baby

9. Chúa ở đâu

10. Ba ngàn dặm xuyên nước Mỹ

11. Một chốn gọi là nhà

12. Một chuyến bay đêm

Phần II: Những truyện ngắn bonus:

13. Ithaca

14. Để giết một người

15. Những ngày đi học - chùm 9 truyện ngắn - ngắn

- Mùa xuân ở Chicago

- Đừng tự tử nhé

- Thày Rober Sachs

- Một bí mật

- Hai chuyện kỳ lạ

- Chị Margaret

- Park Yook Jin

- Người tình một phút

- Kết thúc (mà cũng có thể là khởi đầu) của một cái gì đó.

Mời bạn đón đọc.

Hầu hết truyện trong tập truyện ngắn này đều có bối cảnh là nước Mỹ. Tác giả chia cuốn sách của mình làm hai phần: phần chính là "một chỉnh thể thống nhất" bao gồm những truyện viết liền trong một tháng, và phần sau là những tác phẩm viết rải rác từ trước, "trong một tâm trạng khác".

Hầu hết truyện trong tập truyện ngắn này đều có bối cảnh là nước Mỹ. Tác giả chia cuốn sách của mình làm hai phần: phần chính là "một chỉnh thể thống nhất" bao gồm những truyện viết liền trong một tháng, và phần sau là những tác phẩm viết rải rác từ trước, "trong một tâm trạng khác".

Có thể còn một cách chia khác: những truyện mà nước Mỹ, lối sống Mỹ gắn bó, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, tâm lý, hành vi... của nhân vật; và những truyện nước Mỹ chỉ giữ vai trò "phông màn", không liên quan gì nhiều đến ý nghĩa của chúng. Theo cách chia này, những truyện thuộc loại đầu (Nước Mỹ, nước Mỹ - Tiệc cuối năm tệ nhất trên đời - Canada, Canada - Ba ngàn dặm xuyên nước Mỹ - Cách mạng baby...) là những truyện hay nhất trong tập.

Chi tiết phong phú, sự hiểu biết của người viết đủ đến độ cho câu chuyện cứ thế trôi ra dưới ngòi bút một cách tự nhiên. Tìm việc, mất việc. Áp lực của công việc. Sự cố gắng hòa nhập bất thành. Sự tha hóa ngoài tầm kiểm soát. Và nhiều thứ khác khiến con người có thể "ngạt thở vì cuộc sống không nghèo"... Sống ở đâu là quan trọng. Nhưng sống như thế nào lại là chuyện hoàn toàn khác.

Hãy nghe một nhân vật "tự thú": "Lúc 20 tuổi và ở Hà Nội, tôi không bao giờ tưởng tượng cuộc sống của tôi như thế này. Tôi không bao giờ tưởng tượng tuổi 30 của tôi đầy những giấc mơ bị virus máy tính săn đuổi và màn hình máy tính nổ vào mặt. Tôi không nghĩ tôi sẽ làm tình trên ghế sau một chiếc Honda Civic hai cửa với một người đàn bà tóc vàng tôi thậm chí không thích và là bạn của vợ tôi. Tôi không bao giờ nghĩ tôi sẽ pha cà phê trong một căn hộ ở Chicago, vừa chờ học sinh làm bài tập xác suất vừa mơ màng đến việc sẽ làm tình với học sinh trong tiếng nhạc Madam Butterfly"... (Nước Mỹ, nước Mỹ).

Không tưởng tượng nổi, không ngờ, sao lại thế này... là âm hưởng bàng bạc trong nhiều truyện. Nhưng rồi người ta cũng buộc phải quen dần với sự phi lý đó để tiếp tục "sống đời mình trong tuyệt vọng câm lặng" (Ðể giết một người), đến mức vô tình, thản nhiên đùa giỡn với cả cái chết (Ðừng tự tử nhé, Chúa ở đâu).

Phan Việt có lối viết tỉnh táo, ngấm ngầm pha lẫn cay đắng với giễu cợt. Ở một số truyện chị đã tuân thủ nguyên tắc phải "quyết liệt theo đuổi sự thật", thậm chí phải "cực đoan". Dường như trong những trường hợp "cực đoan", Phan Việt đều "tới bến", đều đúng! Văn của chị nhanh, hoạt, trong từng truyện cũng như cả tập sách nhất quán một giọng điệu, một hơi thở thông suốt, bình ổn - ưu điểm chỉ có ở những cây bút còn trẻ nhưng đã sớm từng trải, hiện đại và giỏi nghề.

Giá như chị tỉnh táo cả trong việc chọn truyện, bỏ bớt đi vài cái, nhất là ở phần "bonus", thì tập sách còn đầy đặn, khỏe mạnh hơn.

Trần Đức Tiến (Nguồn: Báo Tuổi Trẻ)

Tập truyện ngắn "Nước Mỹ,  nước Mỹ" của Phan Việt được chạy tít nhỏ  trên bìa sách: "Cần quá nhiều nhận thức và dũng cảm để sống một cuộc sống thực sự trong thế giới này".

Tập truyện ngắn "Nước Mỹ,  nước Mỹ" của Phan Việt được chạy tít nhỏ  trên bìa sách: "Cần quá nhiều nhận thức và dũng cảm để sống một cuộc sống thực sự trong thế giới này".

Biên giới của cuốn sách đã được mở, không chỉ ở nước Mỹ, mà ở đâu đi chăng nữa, con người vẫn phải đi qua những trải nghiệm không tránh khỏi của đời mình. Trung thành với lối tiếp cận độc giả bằng văn phong dồn dập, ngắn gọn, quyết liệt - những câu chuyện của Phan Việt như cuốn phim ngắn nhịp điệu nhanh, để lại nhiều khắc khoải không lời bình. Nhân vật chính trong "Nước Mỹ, nước Mỹ" bị  ngắt ra khỏi mạch sống  bình thường, với những ẩn ức bên lề, cho dù cố chạy theo  thì cũng bị văng ra khỏi quỹ đạo, không biết đi về đâu. Bi kịch của cặp vợ chồng trẻ này là họ bị kéo dạt ra xa nhau trong cuộc mưu sinh vất vả không niềm vui ở xứ lạ, cố gắng hoà nhập vào môi trường sống mới và cuối cùng, chìm dần, chìm dần,  mất dạng, mất cả căn tính. Day dứt này cũng trở đi trở lại  trong "Tiệc cuối năm tệ nhất trên đời", "Canada, Canada", "Ba ngàn dặm xuyên nước Mỹ", "Ái khanh ơi ái khanh"  với cảm giác lạc lõng, trôi dạt, tách biệt về văn hoá và phản ứng trốn chạy, biến mất, đi mãi thường trực. Con người đắm chìm trong muôn thứ mùi ở quê hương mình, sống giữa người thân, giữa những hồi ức trong hiện tại, mà rồi vẫn là người tha hương ("Những ngày ở Việt Nam") hay mãi là những tâm hồn xa lạ ("Một chốn gọi là nhà"). Ba câu chuyện "Về tình yêu" của Phan Việt là sự đuổi bắt chập chờn của cảm giác, ở ba lứa tuổi, chuyện nào cũng dang dở, lỡ nhịp, không thể trả lời, không thể cắt nghĩa, như lẽ tự nhiên con người trong thế giới hiện đại vốn luôn bị trôi vuột đi, chẳng thể nắm giữ lại gì cho mình trong quá trình đi tìm bản thể. Và đôi khi, con người trở nên ác độc một cách vô thức ("Chúa ở đâu"). Nhưng trên tất cả, điều mà những nhân vật trí thức trẻ của Phan Việt luôn tìm kiếm chính là  tự do  theo đuổi hạnh phúc. Phan Việt thuộc số ít trong các nhà văn trẻ dám nhìn trực diện  vào đời sống, với chất liệu ngồn ngộn xã hội Mỹ và đời sống của cộng đồng người Việt ở  Mỹ.  Đôi khi chính vì nhìn trực diện mà tác giả chưa kịp lắng lại và chọn truyện chưa đều tay trong cả tập sách. Cô  bộc lộ: "Những câu chuyện cụ thể trong tập sách tập trung vào các vấn đề như tìm kiếm việc làm, hạnh phúc gia đình, xung đột tôn giáo, tuổi trẻ-tình yêu và đời sống du học, nhưng bên trên các câu chuyện cụ thể này,  tôi mong muốn phác hoạ hành trình  của con người trong việc tìm kiếm  sự no ấm vật chất và hạnh phúc  tinh thần trên một mảnh đất thường được coi  là "đất hứa".  Hành trình ấy không hề dễ dàng, nhất là  với những người đến từ một nền văn hoá khác.  Hành trình ấy đòi hỏi ở người ta không chỉ sự nhẫn nại và nỗ lực làm việc mà cả lòng dũng cảm  đối mặt với khả năng  trở nên mất phương hướng cả  về  nhân dạng và văn hoá khi sống bên ngoài quê hương mình; nó cũng đòi hỏi sự thấu hiểu  và hoà đồng với những người xung quanh.  Qua cuốn sách, tôi muốn gửi  một thông điệp tích cực, rằng bất chấp những khó khăn của con người trong hành trình đi tìm hạnh phúc ở Mỹ hay  ở VN, nếu chúng ta tin vào bản thân và kiên định giữ những giá trị vĩnh cửu của đời sống như lòng tốt, sự trung thực, dũng cảm, chúng ta sẽ tìm được hạnh phúc đó". Phan Việt sinh  năm 1978, hiện là nghiên cứu sinh chương trình tiến sĩ  ngành công tác xã hội tại Đại học Chicago (Mỹ). Cô nhận  giải nhì cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 với tập truyện đầu tay ("Phù phiếm truyện") năm 2005, sau đó viết tiểu thuyết "Tiếng người" (2008).

Minh Thi

(Nguồn: Báo Lao Động)

Trong số những truyện ngắn chính của tập truyện, Nghiên cứu sinh và Một chuyến bay đêm có thể nói đã bộc lộ điểm mạnh của Phan Việt trong việc lột tả diễn biến tâm lý nhân vật giữa cái vô thức lẫn lộn với thực tại. Những suy nghĩ vô hình dưới ngòi bút của Phan Việt trở nên hữu hình cứ như là người ta có thể nắm lấy, cầm lấy nó được: “Tự do không thể thói thường kéo mình chìm dần xuống; tự do không thể cho đám đông uốn nắn tâm lý của mình, biến mình thành phần tử đồng dạng trong cả biển người xám xịt giống hệt nhau về thói quen sống, nhất là thói quen xấu, nhất là sự độc ác vô hướng” (Một chuyến bay đêm).

Lối viết của chị có một điểm đặc biệt là lặp lại từ như một “hiệu ứng” tương đối nhiều, điều này thể hiện ngay trong tựa đề “Nước Mỹ, nước Mỹ” (cũng là tên truyện ngắn đầu tiên của cuốn sách) hay Canada, Canada; Ái khanh ơi ái khanh. Đó có thể coi là một sáng tạo, nhưng có lẽ những nốt thăng giáng từ vựng sẽ hay hơn nếu như tác giả tập trung hơn nữa về mặt nội dung, cốt truyện.

Vì thế, Nước Mỹ, nước Mỹ có lẽ thiên về một cuốn bút ký hơn là một tuyển tập truyện ngắn.

Điều thú vị với tôi lại là những câu chuyện ngăn ngắn bonus trong tập truyện. Chúng đơn giản và không khiến người ta kỳ vọng quá nhiều khi đọc vì biết đó chỉ là những lời chia sẻ thật dung dị trong suốt cuộc hành trình trên đất Mỹ của tác giả. Tuy vậy vẫn có một số còn chưa được chọn lọc lắm, ví như Thầy Robert Sachs, tôi cho là hơi trẻ con. Cái mới duy nhất mà tôi thấy, có lẽ là yếu tố thông tin rất “đắt giá”: “thầy là cây cao bóng cả trong ngành” và “nổi tiếng trong giới tri thức Mỹ”. 

Hoàng Thi

(Nguồn: SGTT)

Nước Mỹ không phải thiên đường, và tất nhiên cũng không phải địa ngục. Nước Mỹ chỉ là nước Mỹ, còn thiên đường hay địa ngục ở bên trong mỗi chúng ta, tùy theo cách chúng ta tiếp cận và thấu thị cuộc sống. Mỗi nhân vật của Phan Việt có một nước Mỹ của riêng mình, trong cái từng qua và cái đang đến, trong sự khám phá và định giá, trong điều có thể và cả điều bất khả...

Nước Mỹ không phải thiên đường, và tất nhiên cũng không phải địa ngục. Nước Mỹ chỉ là nước Mỹ, còn thiên đường hay địa ngục ở bên trong mỗi chúng ta, tùy theo cách chúng ta tiếp cận và thấu thị cuộc sống. Mỗi nhân vật của Phan Việt có một nước Mỹ của riêng mình, trong cái từng qua và cái đang đến, trong sự khám phá và định giá, trong điều có thể và cả điều bất khả...

Không định kiến, không mặc cảm, những con người trẻ trung ấy mỗi ngày phát hiện lại mình với tư cách một thành viên trong xã hội Mỹ, qua đó ý thức lại những giá trị thực vẫn bị che lấp dưới lớp vỏ cũ càng thường bị lãng quên. Không có biến cố lớn, không có chất kỳ ảo tô vẽ, chỉ là những câu chuyện hằng ngày, nhưng vì biết coi trọng thời gian đang vuột trôi cũng như coi trọng bản thể mình, nên người ta không hài lòng sống như ngày hôm qua, không chấp nhận sự che đậy né tránh, gọi đúng tên nhiều thứ đang ẩn nấp bên trong con người cá nhân và con người xã hội của mình...

Tình yêu vừa như một phần thưởng vừa như một bài trắc nghiệm không dễ vượt. Những đôi lứa tưởng đã bình yên với tình yêu tìm thấy, một sớm mai kia bỗng khám phá rằng tất cả đều có thể vỡ vụn trong khoảnh khắc.

Thủy - Tôi trong Nước Mỹ, nước Mỹ là một cặp điển hình cho những trí thức trẻ gốc Á  đang có cơ hội thực hiện giấc mơ Mỹ, muốn chinh phục một nước Mỹ trong hình dung nhưng lại phải đối phó với một nước Mỹ trong đời thực. “Lúc 20 và ở Hà Nội... tôi không bao giờ tưởng tượng tuổi 30 của tôi đầy những giấc mơ bị virus máy tính săn đuổi... Tôi không nghĩ tôi sẽ làm tình trên ghế sau một chiếc Honda Civic với một người đàn bà tóc vàng tôi thậm chí không thích...”. Không kiếm được việc, người đàn ông trẻ phải sống dựa vào vợ, trong khi người vợ mệt mỏi đánh vật với đồng lương đến nỗi mất cả khả năng đàn bà. Và sự vô định ập vào đời họ, qua chính phản ứng của họ...

Những cặp khác trong Tiệc cuối năm tệ nhất trên đời, Canada - Canada, Ái khanh ơi ái khanh, Một chốn gọi là nhà, Hai ngàn dặm xuyên nước Mỹ cũng là những quan hệ “có vấn đề”, dễ bị tổn thương bởi chính người trong cuộc, hàm chứa những nguy cơ khó định dạng... Người đàn ông luôn ra lệnh và người đàn bà chỉ việc nghe theo. Loại đàn ông thành đạt và “chỉ quan tâm đến công nghệ... không quan tâm đến kiếm tiền” ấy có bao giờ chịu hiểu  rằng người đàn bà của mình đâu chỉ hài lòng với tình yêu và sự phụ thuộc, bởi họ không phải búp bê mà là một con người. Và con người ấy ngoài mặt có thể tươi cười ngoan ngoãn nhưng bên trong đang ngấm ngầm nổi loạn, đang chửi thề liên tục và “nếu cần, ngày mai, tôi có thể bỏ anh... cho khỏi ngạt thở vì cuộc sống không nghèo này”.

 Bên cạnh tình yêu là quan hệ gia đình - xã hội. Trong Chúa ở đâu, người đọc phải rùng mình tự hỏi, nếu Tôi, không chạy tới giữ chặt chân thằng bé da đen sùng tín đang bị thách đố, hẳn nó đã nhảy qua ban công để chứng minh rằng Chúa của nó có thật? Trong khi đó, những kẻ thách đố nó cứ ôm bụng mà cười. Những ngày ở Việt Nam lại trình bày một kiểu xã hội khác. Một ông bố nặng tai chỉ còn mơ mảnh đất để làm vườn, trong khi lũ con thực dụng ráo hoảnh, chẳng buồn quan tâm đến cả người già lẫn con trẻ. Người mẹ một mình tả xung hữu đột, hết nói dối để dỗ cháu đi học, lại hạ mình đút lót chỉ để sửa cầu chì...

Bằng cảm xúc tinh tế và cách viết đơn giản nhưng hiệu quả nhờ chi tiết và ngôn từ chắt lọc cộng với những bất ngờ thường hiện ra ở dòng cuối, Phan Việt đã thể hiện thành công một thế giới người đầy bấp bênh nhưng cũng đầy khắc khoải. Không có điều gì tự nhiên đến. Con người phải tự tìm lấy, tự trả giá, muốn có cái này phải đánh đổi bằng cái khác. Tình yêu, tri thức, tự do, giá trị sống... Để đi đến đó phải vượt qua vô số rào cản hữu hình và vô hình, những mê lộ ngụy tín, và khó nhất là chính bản thân mình.

Và bởi đó là một cuộc thanh lọc lớn nên không phải ai cũng có đủ dũng cảm để bắt đầu...

Ngô Thị Kim Cúc

(Nguồn: Báo Thanh Niên)

Xem thêm
Thông tin tác giả
Thông tin chi tiết
Tác giả Phan Việt
Nhà xuất bản Nxb Trẻ
Nhà phát hành Phương Nam
Giá bìa 125.000 vnđ
Khối lượng 330.00 gam
Ngôn Ngữ Tiếng Việt
Kích thước 13x21 cm
Ngày phát hành 02/08/2019
Số trang 348
Cuoc-thi-review-sach-topsach.vn
Nhận xét từ bạn đọc
Đánh giá trung bình
4.5/5
star star star star star>
0 vote
GỬI NHẬN XÉT CỦA BẠN
  • Đánh giá của bạn về sản phẩm này:
  • Tiêu đề của nhận xét
Đăng nhập để nhận xét