Bất hạnh là một tài sản
Những người đàn bà, họ không một mình ngẫu nhiên tới Paris, Venice, Rome, Florence...
Họ có thể là sinh viên mới ra trường, muốn đến Paris để viết văn; có thể là người đã đi qua một cuộc hôn nhân, giờ đến đó để nhìn lại; có thể là người bấy lâu vẫn mòn mỏi chờ đợi mối tình lớn của đời mình và mong nó xảy ra ở châu Âu... Hoặc họ có thể, như tác giả của cuốn sách này, đến châu Âu một mình để du lịch như một người không quá khứ, không ràng buộc; và để hỏi những câu hỏi bước ngoặt về tình yêu và hôn nhân...
Cuốn sách này, hơn cả một cuốn du ký về những ngày du ngoạn qua các thánh địa mơ ước ở châu Âu, còn là một hành trình nội tâm xuyên suốt, dai dẳng, và không phải không đau đớn.
Có thể thấy điều đó, dẫu chẳng ở châu Âu một mình.
***
Trích đoạn:
"... Nhưng có lẽ đó chính là vấn đề của quảng trường San Marco, của Venice, và là lý do tại sao đến đây lần thứ hai nhưng tôi vẫn không ấn tượng với quảng trường này. Có cái gì đó rất Hollywood ở đây và ở khắp Venice. Những người ngồi sưởi nắng ở đây, và dàn nhạc này không giống với những người sưởi nắng trong vườn Luxembourg. Bởi vì họ không sống ở đây. Họ đến rồi đi... Trong tất cả cái đẹp và sự tinh xảo của Venice, tôi không sao thoát khỏi cảm giác rằng thành phố này đang chết. Nó đang chìm dần. Venice là ngôi mộ của một quá khứ. Chỉ còn khách du lịch đến đây, và thành phố này chỉ còn đủ người để phục vụ du khách chứ nó không có những người Venice, như Paris có người Paris, Hà Nội có người Hà Nội.
Sáng nay, sau khi rời nhà thờ Mary of Narazeth, tôi mua một vé xe buýt nước theo tuyến số 2 để đi từ đó tới quảng trường San Marco; tức là gần như đi từ đầu này đến đầu kia của Venice; có điều thay vì lấy vé tuyến số 1 chạy theo Kênh Lớn thì tôi lấy tuyến xe buýt chạy bên ngoài Lagoon. Với những người không quan tâm tới hành trình mà chỉ quan tâm tới cái đích cuối cùng thì tuyến số 1 hay số 2 đều thế cả, chúng đều kết thúc ở quảng trường San Marco; chính vì thế mà một bà già đã nói khi thấy tôi phân vân ngoài bến:
"Lên đi con, cái nào thì cũng đến quảng trường San Marco thôi."
Thuyền chạy từ bến nước ra ngoài Lagoon. Từ đây, tôi có thể nhìn vào Venice và những công trình kiến trúc của nó - Byzantine, Gothic, Phục hưng... Tất cả đều tuyệt vời nhưng rất nhiều trong chúng chỉ còn là những xác nhà đóng kín và đang được UNESCO bảo quản như di sản văn hóa thế giới. "Di sản" - đấy là một từ chính xác nữa để mô tả Venice. Một thời carnival, các lễ hội hóa trang, những bữa tiệc và hòa nhạc không ngừng giờ chỉ còn lưu dấu ở những chiếc mặt nạ bày bán quanh quảng trường và dọc các con đường của Venice; các ngôi nhà, phòng hòa nhạc từng ngập các ông chúa bà hoàng giờ chỉ còn là những hành lang mục nát, tường gạch nham nhở, nước lên ngập tầng một vào mỗi trận lụt, khiến cho rêu rong nấm mốc loang lổ.
Venice đẹp, Venice lạ, nhưng không thể ở đây mà không ý thức về sự lụi tàn. Phải, tiệc vui mấy cũng có lúc tàn và bữa tiệc Venice có lẽ đã tàn từ thế kỷ XIX. Tôi cũng như mười hai triệu khách du lịch đến đây mỗi năm chỉ như những khán giả đến nhìn những gì còn vương vãi từ bữa tiệc đó và cố hình dung về bữa tiệc.
Dù thế, không thể không ngả mũ kính phục người Ý. Họ muốn xây một thành phổ nổi trên mặt nước, vậy là họ xây một thành phố nổi trên mặt nước. Họ muốn một thành phố như một đại tiệc không dứt, và họ đã có một thành phố là một đại tiệc không dứt. Cái đến sau là việc của cái đến sau. Sự lụi tàn trong tương lai không thể là điều ngăn trở sự sản sinh trong hiện tại.
Có lẽ tôi và Sơn nên chia tay."
Mời bạn đón đọc.
Giữa đám đông vẫn cứ một mình
Theo Phan Việt: "Cuốn sách này tập hợp những ghi chép rời rạc vào mùa Hè 2008, khi tôi đi châu Âu một mình trong một tháng. Nó là điểm bắt đầu của một câu chuyện mà tôi sẽ kể lại trong hai cuốn sách tiếp theo - về những chuyện buồn mà cuối cùng đã trở thành những tài sản". Có lẽ bởi ý nghĩ này mà Phan Việt đặt một tít nhỏ cho cuốn sách của mình: "Khi bất hạnh là một tài sản". Quả tình, với người ưa sống trong ngôn ngữ văn chương, thì bất hạnh, nỗi buồn, sự cô đơn quả là một tài sản, khi biết biến chúng thành những ẩn ức và tạo tác một câu chuyện hay để kể.
"Như mọi câu chuyện có tính hồi ký khác, đây chỉ là ký ức của tôi, sự thật của tôi; nó không chắc là sự thật duy nhất" (lời Phan Việt). Dĩ nhiên, sự thật qua điểm nhìn của một cá nhân, thì vẫn mang tính cá nhân.
Sợ thì cũng phải làm
"Sợ thì cũng phải làm", lời đề từ cho 343 trang sách - những ghi chép nhật ký hành trình - phần nào nói lên tâm trạng phổ biến của Phan Việt, khi dấn thân vào cái "một mình" giữa miền đất lạ không thể lường hết những bất trắc xảy ra này. Và sợ, thì cũng rất phải, khi vừa bước chân đến Ý, đã bị tay lái taxi "trông giống hệt Roberto Baggio" (T18) lừa tiền. Thế đấy, cái đẹp bề ngoài không liên quan gì đến thói tham lam chiếm đoạt bên trong. Và người dễ rung động trước cái đẹp, dẫu có thể linh cảm thấy nỗi phiền hà, nhưng vẫn cứ chịu để bị lừa, rồi để tức tối, và ném tờ 10 euro vào mặt gã trai, không hẳn vì tiếc tiền, mà vì ức đã bị mất cảm giác đang là tốt.
Người đàn bà của tuổi 35, lang thang hoang hoải từ Đức, sang Ý, Đan Mạch, Pháp, rồi Anh... với cái nhìn của một khách du lịch phương xa, lưu tâm từ mùi nước hoa lạ, cho đến người với người đông đến là đông, rồi chợ với sự sạch, ngăn nắp, mơn mởn rau quả, phong phú đồ ăn, và dĩ nhiên, những cảnh vật mới mẻ làm cho tâm hồn bớt những hờn đau đang mưng mủ.
Đàn bà khi đi du lịch một mình, có thể mang một bất hạnh nào đó mà không giải tỏa được, thế nên các trang viết cứ chất chứa chiều sâu nỗi buồn. Thế nên, nếu đơn giản chỉ là đi khám phá, đi theo thói quen ưa chuyển dịch, thì những ghi chép chỉ là miêu tả cảnh quan, hoạt động, diễn tiến mỗi chặng đường, người đọc cũng chỉ vòng vèo qua mấy tên địa điểm theo tò mò, rồi lại lặng lẽ gấp sách lại, chờ ngày được chạm chân đến vùng đất đó thực sự để trải nghiệm, chứ không nương nhờ cái nhìn người khác.
Đến với Một mình ở châu Âu của Phan Việt, không chỉ dừng lại thế, bạn còn phải đi vào các diễn biến nội tâm của chị. Phan Việt đi để tìm quên, khi nhận ra đã mệt mỏi với Sơn, chồng chị - người ngỡ có thể bên nhau đến hết cuộc đời:
"Tôi đã mệt rồi. Tôi thực sự đã mệt rồi. Tôi yêu Sơn nhưng sống với anh khó quá. Nó không khác gì xây nhà dưới chân một ngọn núi lửa âm ỉ cháy; tôi không bao giờ biết trước lúc nào thì núi lửa phun trào; chỉ biết mỗi lần phun trào thì tất cả mọi thứ quanh chân núi đều bị hủy diệt" (T15).
Cái sự đi, đơn giản là bước qua hành trình này, tìm đến một hành trình khác.
Nhưng cứ mang cái tâm trạng của "hủy diệt" trong mình, thì đi đâu vẫn cứ là "sợ" vẫn cứ là "đau" trong cái "một mình".
Phan Việt (1978) là tác giả các tập truyện ngắn Phù phiếm truyện (2005, giải Nhì cuộc Vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần 3); Nước Mỹ, nước Mỹ (2009); tiểu thuyết Tiếng người (2008); và bộ sách Bất hạnh là một tài sản (2013). Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, chị lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học Chicago và hiện là Phó giáo sư, giảng dạy đại học tại Mỹ.
Ngoài viết văn, Phan Việt còn viết báo, dịch, hiệu đính và biên tập sách. Chị là đồng sáng lập tủ sách Cánh cửa mở rộng với nhà toán học Ngô Bảo Châu và NXB Trẻ nhằm dịch và giới thiệu sách hay tới bạn đọc Việt Nam.
(Báo thethaovanhoa.vn giới thiệu ngày 10/3/2013)
Việt Quỳnh.
Có thể tóm tắt ngắn gọn vài dòng về câu chuyện trong cuốn sách mới ra mắt của Phan Việt: Một phụ nữ Việt Nam sống tại Mỹ trong một cuộc hôn nhân đầy cảm giác bất an. Cô quyết định đi châu Âu một mình. Đây là tập đầu tiên trong bộ sách có tên chung "Bất hạnh là một tài sản".
Nhưng "Bất hạnh là một tài sản" không phải là những cuốn sách kể lể về sự bất hạnh. Đó là sách viết về hành trình của một người tìm kiếm lời giải, học cách đối mặt và thoát ra khỏi những bế tắc thực tại.
Chúng ta vẫn hình dung những bất hạnh trong đời người đến từ những hoàn cảnh riêng biệt, những nghịch cảnh hay những bi kịch lớn lao nào đó. Nhưng kỳ thực sự bất hạnh mà chúng ta gánh chịu có tính phổ quát hơn nhiều. Đời sống của chúng ta bị bào mòn bởi những điều nhỏ nhặt, những bất an và sợ hãi không thể gọi tên, những thứ mà khi kể lại chính mình cũng có thể "cười chảy cả nước mắt". Bởi vì "hình như tất cả những câu chuyện kể lại đều lãng mạn hơn, bớt đau lòng hơn lúc chúng đang diễn ra".
Hầu hết chúng ta sẽ học dần thỏa hiệp để lờ đi những mất mát, học cách chối bỏ những đòi hỏi thuộc về mình. Chúng ta cam chịu những điều đó lâu đến mức quên mất sự tồn tại của nó. Nhưng mọi sự chối bỏ, dù luôn là một lựa chọn dễ dàng, sẽ không bao giờ là một giải pháp. Hạnh phúc thật sự sẽ không hiện diện trong đó, bất chấp chúng ta có tự đánh lừa mình.
Nhân vật của "Bất hạnh là một tài sản" đã có một lựa chọn dũng cảm, dù có thể vào lúc đó cô chưa nhận thấy điều đó. Hành trình đi qua các quốc gia châu Âu không chỉ là một chuyến du lịch, mà còn là một hành trình tìm lại chính mình, tìm lại rất nhiều thứ tưởng chừng đã đánh mất, một mình suy nghĩ và đối mặt với nỗi sợ hãi của mình để nhận ra "nỗi sợ bất hạnh là nỗi sợ hãi phí phạm nhất đời người".
"Những ngày tháng một mình ở châu Âu làm cho tôi hiểu rằng tôi có thể hạnh phúc trở lại. Quan trọng nhất, tôi có thể hạnh phúc kể cả khi tôi một mình. Bất chấp những năm tháng qua, tôi vẫn còn có khả năng rung động, vẫn còn có thể nghe, nhìn, và cảm thấy cuộc sống xung quanh, tôi còn chưa đóng băng như tôi tưởng... " và "Sự thật là không một ai nên hoặc có thể chối bỏ bản thân mình, kể cả khi họ làm điều đó nhân danh tình yêu".
Ngay đầu sách, tác giả cho biết, đây là một câu chuyện có tính hồi ký, những ghi chép từ ký ức của mình, sự thật của mình. Nhưng sự chân thực, không sa vào trách móc hay tự bào chữa cho mình làm cuốn sách trở thành một tiểu thuyết thực sự với người đọc thay vì một cuốn hồi ký đơn thuần. So sánh có thể khập khiễng, nhưng điều này làm tôi nhớ đến cuốn hồi ký "Tuổi thơ" của Nathalie Sarraute.
Cũng có thể vì mới là phần đầu nên chúng ta chưa thực sự gặp những xung đột thật sự, tác giả mới hé lộ thấp thoáng những bi kịch. Dẫu vậy, chúng đã mang lại những cảm giác bất an về những xung đột sẽ đến trong hành trình tiếp theo của cô. Cũng vì vậy, thiết tưởng cũng nên nói thêm là trong cuốn sách đầu tiên này bạn đọc hãy tranh thủ tận hưởng cả không khí và vẻ đẹp của văn hóa, con người châu Âu được kể đến trong cuốn sách, bằng một giọng văn đẹp, giản dị và lối kể chuyện cuốn hút, hài hước, giàu tư duy, đầy sự tò mò. Qua từng trang sách, độc giả cũng bị tác giả cuốn hút vào một mối tình dịu dàng với cuộc sống.
(Báo Vnexpress.net giới thiệu ngày 11/3/2013)
Trí Vĩnh.
Một mình ở châu Âu là cuốn du ký miêu tả hành trình đi và nghĩ của tác giả nữ Phan Việt như một niềm vui sống, cả những dằn vặt và đau đớn bởi quan điểm "đến châu Âu một mình để du lịch như một người không quá khứ, không ràng buộc và để hỏi những câu hỏi bước ngoặt về tình yêu và hôn nhân".
Tác giả Phan Việt sinh năm 1978, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, chị lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Chi- cago và hiện là phó giáo sư, giảng dạy đại học tại Mỹ. Phan Việt được biết đến là người đồng sáng lập tủ sách Cánh cửa mở rộng cùng với nhà toán học Ngô Bảo Châu và NXB Trẻ tại Việt Nam.
Trước đó, Phan Việt không được chú ý nhiều mặc dù đã từng đoạt giải Nhì cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần III với tập Phù phiếm truyện. Gần đây chị được độc giả quan tâm hơn bởi các tập truyện ngắn Nước Mỹ, nước Mỹ (2009), tiểu thuyết Tiếng người (2008) và bộ sách Bất hạnh là một tài sản (2013) gồm ba cuốn, trong đó Một mình ở châu Âu là cuốn mở đầu.
(Báo thethaovanhoa.vn giới thiệu 9/7/2013)
Lãng Ma
Thể thao & Văn hóa
Trong giới văn học chắc rằng Phan Việt không còn là cái tên xa lạ, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Phan Việt sinh năm 1978, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, chị lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Chi- cago và hiện là Phó giáo sư, giảng dạy đại học tại Mỹ. Phan Việt được biết đến là người đồng sáng lập tủ sách Cánh cửa mở rộng cùng với nhà toán học Ngô Bảo Châu và NXB Trẻ tại Việt.
Sau một số tác phẩm: Phù phiếm truyện (2005), Tiếng người (2008), Nước, nước Mỹ (2009) nữ nhà văn trẻ Phan Việt mới cho ra mắt bạn đọc cuốn sách Một mình ở Châu Âu (2013). Tác giả đã tổ chức một buổi tọa đàm giao lưu với bạn đọc nhân dịp ra mắt cuốn sách này.
Buổi tọa đàm với sự tham gia của nhà văn Phan Việt, dịch giả Lâm Vũ Thao, GS Ngô Bảo Châu và biên tập viên Võ Hằng Nga được tổ chức vào ngày 9/7/2013 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội.
Buổi tọa đàm diễn ra với rất đông các diễn giả và bạn đọc tới trao đổi, bàn luận và thể hiện cảm nghĩ của mình khi đọc cuốn sách mới nhất Một mình ở châu Âu của Phan Việt. Không phải là những lời khuyên, mà cuốn sách chính là những câu hỏi mở, để người đọc tự cảm nhận, tự chiêm nghiệm.
Mỗi người đều có thể hiểu cuốn sách theo những cách khác nhau, nhưng nhà văn Phan Việt muốn khẳng định: Bất hạnh là một tài sản, chị " không giữ thái độ trung dung, muốn khẳng định, kể cả lời khẳng định đó là phiến diện." Bằng những trải nghiệm của mình và đọc cuốn sách Một mình ở châu Âu của Phan Việt, GS Ngô Bảo Châu cảm nhận: " Lấy cái tôi bây giờ trừ đi cái tôi ngày xưa tôi có nhiều thành công và có nhiều bất hạnh."
Một mình ở Châu Âu không đơn thuần chỉ là cuốn sách về đề tài du ký mặc dù tác phẩm là tập hợp những ghi chép của Phan Việt cách đây 4 năm, khi cô một mình ở Châu Âu trong vòng 1 tháng, ghi chép lại những câu chuyện hay những hình ảnh cô bắt gặp tại các thành phố lớn như Paris của Pháp, Venice hay Roma của Italia, Copenhaghen của Đan Mạch...
(Báo dantri.com.vn giới thiệu ngày 10/7/2013)
Trúc Diệp
Xem thêmTác giả | Phan Việt |
---|---|
Nhà xuất bản | Nxb Trẻ |
Nhà phát hành | Nhã Nam |
Giá bìa | 125.000 vnđ |
Khối lượng | 462.00 gam |
Ngôn Ngữ | Tiếng Việt |
Kích thước | 14 x 20.5 cm |
Ngày phát hành | 02/08/2019 |
Số trang | 344 |
- Đánh giá của bạn về sản phẩm này:
- Tiêu đề của nhận xét