Hoang Tâm
Cuốn tiểu thuyết mở đầu bằng câu chuyện của một nhân vật được gọi bằng "Anha" tìm đến khu du lịch Cửa Núi ở huyện Nguyên Thủy xa xôi. Tại đây Anh gặp một cô gái được tạm đặt bằng cái tên "Son Phấn". Hai người thực hiện một cuộc hành trình bí ẩn và kỳ thú. Họ đã lọt qua trận đồ đá để bước vào hẻm núi của tộc người Mã, những hậu duệ của một binh đoàn thất trận năm xưa với những ngôi làng đá rùng rợn và ám ảnh. Rồi họ lại vượt qua một trảng cỏ tranh với sự truy đuổi của trăn hoa và cọp xám để lạc vào vùng đất của tộc người Khi, một tộc người có lịch sử ra đời gắn liền với truyền thuyết ăn não người của bậc đế vương, chứng kiến một lễ hội dâng óc kinh hoàng tại dinh thự ẩn sâu trong lòng đất. Cuộc hành trình lại tiếp tục đưa họ đến với tộc người Mụ với vô vàn những tập tục kỳ lạ để cuối cùng cả hai bước vào một biệt điện nguy nga dành cho nữ tộc trưởng hoang dâm và quyền lực.
Nếu việc thám hiếm Cửa Núi là chiều dọc của cuốn tiếu thuyết thì ở chiều ngang của nó là ngồn ngộn những chi tiết hãi hùng gợi lại cuộc chiến của đất nước K đắm chìm trong nạn diệt chủng, là những cảnh đời u buồn, hoảng loạn bởi những chấn thương tâm lý khủng khiếp, là những cảnh đời, cảnh người nghiệt ngã, cảm động, bi thương, là những cật vấn về cái chết và sự sống, là tình yêu và những khúc hoan ca xác thịt kêu gọi mầm dục thiêng liêng, là sự kiệt quệ của thể xác chứa những rối bời nhân tính trước dòng thác xói mòn tâm hồn mà nếu không có một bản ngã mạnh mẽ được nâng đỡ bởi những trầm tích văn hóa thì không đủ nội lực vươn lên và đứng vững.
Cuối cùng thì câu hỏi Cửa Núi là gì, câu chuyện được miêu tả trong cuốn tiểu thuyết có thật hay chỉ là một thế giới khác, không hiện hữu dưới ánh mặt trời, cũng lóe ra ở cuối cuốn sách, nhưng câu trả lời chính xác nhất lại nằm ở chính độc giả, những người dõi theo số phận của nhân vật ngay từ những trang đầu tiên.
Anh là ai? Son Phấn là ai? Hai nhân vật chính không tên, không tuổi, không lý lịch xuất thân, chỉ được hé lộ thân phận vào những trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết, đủ để hấp dẫn độc giả đi hết gần 300 trang sách, đưa bạn đọc vào một cuộc thám hiểm có một không hai, cho đến khi cái đích hiện ra, và nó không nằm ở đâu khác mà nằm ngay trong chính tâm hồn bạn.
Mời bạn đón đọc.
Đã có bao nhiêu người từng trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và làm nghĩa vụ trên đất bạn Campuchia? Con số đếm được có thể là hàng trăm ngàn lượt. Ngoài những người đã hy sinh, ai trong số đó trở về trong dằn vặt, lo âu, ám ảnh, trong thổn thức khôn nguôi về những gì đã gặp, đã làm, đã chứng kiến trong những ngày tháng ấy?
Có thể nói, trong Hoang tâm, ngoài những suy luận có vẻ không hợp thời về người lính chế độ cũ, thì Nguyễn Đình Tú đã dám đụng chạm đến những vấn đề của đời sống hậu chiến bằng một thủ pháp đan xen vi diệu. Trong Hoang tâm, người đọc sẽ dần nhận ra nhiều thứ cần suy nghiệm. Về cuộc sống, cái chết, về bi và hài, về giáo dục, về tình nghĩa, và về nhiều thứ khác nữa. Nhưng cái đọng lại lớn nhất chính là một góc nhìn khác về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và những hệ quả của nó trên những cựu binh từng tham gia cuộc chiến đó. (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, quý 2/2013, 77.000 đồng).
(Báo sgtt.vn giới thiệu ngày 15/5/2013)
Phạm Sỹ Sáu
Xem thêmTác giả | Nguyễn Đình Tú |
---|---|
Nhà xuất bản | Nxb Hội Nhà Văn |
Nhà phát hành | Phương Đông |
Giá bìa | 125.000 vnđ |
Khối lượng | 374.00 gam |
Ngôn Ngữ | Tiếng Việt |
Kích thước | 13 x 20.5 cm |
Ngày phát hành | 02/08/2019 |
Số trang | 320 |
- Đánh giá của bạn về sản phẩm này:
- Tiêu đề của nhận xét