Hành Trình Của Một Sinh Viên Sài Gòn Từ Chiến Tranh Đến Hòa Bình
Click để xem bìa sau

Hành Trình Của Một Sinh Viên Sài Gòn Từ Chiến Tranh Đến Hòa Bình

Hành Trình Của Một Sinh Viên Sài Gòn Từ Chiến Tranh Đến Hòa Bình Lượt xem: 292 người
Sách Văn học Trong Nước, Phóng sự, ký sự nổi tiếng VN
Hành Trình Của Một Sinh Viên Sài Gòn Từ Chiến Tranh Đến Hòa Bình 0 Vote

Hành trình của một Sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình là câu chuyện ghi lại nửa thế kỷ hoạt động sôi nổi của một người trong cuộc, từ chiến tranh và cách mạng đến hòa bình và cả giai đoạn đất nước đổi mới, hội nhập trong một thế giới đang toàn cầu hóa nhanh chóng.

Nguyễn Hữu Thái - nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-1964), một trong những người lãnh đạo phong trào tranh đấu sinh viên sau ngày chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ tháng 11 năm 1963. Anh và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là những người lên tiếng sớm nhất trên đài phát thanh Sài Gòn để đón chào chiến thắng 30-4-1975 sau khi tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

Giữa hai thời điểm lịch sử trọng đại đó, Nguyễn Hữu Thái đã chọn thế đứng về phía phong trào nhân dân đô thị đấu tranh cho hòa bình và chủ quyền dân tộc. Trong suốt cuộc chiến, cuộc sống của anh chia đều giữa xuống đường, nhà tù và hoạt động giữa hai làn đạn. Người thanh niên đầy nhiệt thuyết ấy đứng trong mê hồn trận chính trị Sài Gòn nên có lúc anh phải phân vân trong sự lựa chọn. Với 3 lần bước chân vào nhà tù của chế độ Sài Gòn, lòng anh đã "bừng nắng hạ" để hiểu rõ hơn về cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Anh đã bỏ học bổng đi du học Mỹ mà biết chắc chắn sau đó cuộc sống sẽ được sung sướng để ở lại Sài Gòn sát cánh cùng đồng bào chống Mỹ cứu nước, góp phần vào ngày giải phóng 30/4/1975.

Sau chiến tranh, anh có mặt trong hàng ngũ cách mạng, tham gia các chiến dịch cải tạo, xây dựng một xã hội mới. Đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh lại bị các thế lực thù địch bủa vây, cấm vận, đời sống nhân dân gặp muôn vàn khó khăn. Trong bối cảnh ấy của đất nước, gia đình anh cũng phải chia năm, xẻ bảy bôn ba khắp mọi chân trời để sinh sống. Nhưng dù có ở nơi nào chăng nữa, suốt đời anh vẫn kiên định một lòng vì dân tộc.

Tập sách có nhiều ghi chép mang tính sử liệu về phong trào đấu tranh đô thị miền Nam với nhãn quan của một con người đã từng kinh qua những biến cố trọng đại của đất nước.

Tập sách sẽ góp phần hun đúc tinh thần tuổi trẻ biết sống, học tập, chiến đấu... để đưa đất nước ta nhanh chóng đến bến bờ hạnh phúc, vinh quang, thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Mời bạn đón đọc.

Cuốn "Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình" không chỉ kể về cuộc đời tác giả Nguyễn Hữu Thái mà còn làm sống lại những năm tháng đấu tranh cách mạng sôi nổi của sinh viên Sài Gòn.

Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình là cuốn sách ghi chép lại những sự kiện trong đời của Nguyễn Hữu Thái. Đối với giới trẻ ngày nay, Nguyễn Hữu Thái là cái tên ít được nhắc tới, nhưng đối với lớp trẻ Sài Gòn cách đây 50 năm, ông được nhiều sinh viên biết đến. Vì thế trong buổi lễ ra mắt sách diễn ra tối 6/11 tại Hà Nội, nhiều bậc cao niên, học giả cùng thời với Nguyễn Hữu Thái đã tới chúc mừng ông.

Nguyễn Hữu Thái sinh năm 1940 tại Đà Nẵng, học Trường Kiến trúc và Luật khoa, Viện Đại học Sài Gòn. Ông hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh của thanh niên, sinh viên, học sinh miền Nam từ 1960 tới 1975 và được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963 -1964). Từ năm 1990 đến 1995, ông sinh sống và nghiên cứu ở phương Tây, sau đó quay về làm việc trong nước, nghiên cứu, viết sách báo. Hoạt động cách mạng nhưng do những quan hệ với nhiều người Mỹ mà ông không được tin tưởng. Mãi đến năm 2000, lý lịch của Nguyễn Hữu Thái mới được làm sáng tỏ.

Cuốn sách mang tính tự truyện, kể lại cuộc đời Nguyễn Hữu Thái. Các chương, đoạn của sách được chia gắn liền với những sự kiện quan trọng của lịch sử dân tộc. Đặc biệt, cuộc đấu tranh chính trị của ông là tiêu biểu cho đường hướng hoạt động, đấu tranh của nhiều sinh viên Sài Gòn thời bấy giờ.

Trong vai trò Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn, Nguyễn Hữu Thái tổ chức và tham gia nhiều hoạt động sôi nổi như kêu gọi sinh viên xuống đường, biểu tình phản đối Mỹ can thiệp vào nội bộ Việt Nam, phát động đấu tranh sinh viên chống tướng Nguyễn Khánh... Đỉnh điểm của các hoạt động mà Nguyễn Hữu Thái và các sinh viên tham gia đó là cuộc biểu tình chống tướng quân phiệt Nguyễn Khánh năm 1964.

Sau khi nhìn lại quá khứ và xác định lập trường, Nguyễn Hữu Thái liên hệ với Mặt trận Giải phóng và được chấp thuận. Trong mê hồn trận chính trị ở Sài Gòn, để tham gia cách mạng mà vẫn sống sót, người thanh niên Nguyễn Hữu Thái phải sống giữa hai làn đạn. Ban ngày ông làm công tác của một sĩ quan quân đội Sài Gòn, nhưng ngoài giờ hoặc khi về nhà thì thực hiện những công tác bí mật khác. Ông bị chính quyền Sài Gòn bắt giam, rồi được thả tự do năm 1974, sau đó tìm cách nắm đầu mối hoạt động trở lại với Mặt trận Giải phóng. Năm 1975, Nguyễn Hữu Thái hoàn thành nhiệm vụ nội thành cuối cùng của Cách mạng, vào Dinh Độc Lập giúp treo cờ giải phóng và giới thiệu lời đầu hàng của tướng Dương Văn Minh trên đài phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975.

15 năm sau đó, trong không khí của chiến dịch cải tạo đất nước, Nguyễn Hữu Thái trở thành cán bộ thanh niên tham gia vào công cuộc cải tạo. Những năm 1980 - 1990, Việt Nam bị các thế lực thù nghịch bao vây, bị chia rẽ và phân tán. Nguyễn Hữu Thái viết trong sách: "Thảm kịch của đất nước cũng là bi kịch của gia đình tôi".

Những ghi chép về cuộc đời của Nguyễn Hữu Thái trong cuốn sách mang tính sử liệu cao. Mỗi phần lại có nhiều ảnh mình họa, như ảnh tác giả tham gia biểu tình, kêu gọi sinh viên xuống đường, cùng nhiều ảnh hoạt động sôi nổi của phong trào sinh viên mà tác giả còn gìn giữ được. Đọng lại sau tất cả là phong trào sôi nổi của sinh viên yêu nước Sài Gòn, là hành trình gian khó của những sinh viên bình thường tìm đường đến với những lý tưởng và mục tiêu cao đẹp của giải phóng dân tộc, cách mạng xã hội.

Nguyễn Hữu Thái cho biết, ông viết cuốn sách này không phải để biện hộ cho việc mình từng bị nghi ngờ, hoặc để đưa ra cái tôi bản thân, mà chỉ muốn ghi lại đoạn đường đã trải qua, trùng hợp với giai đoạn khó khăn mà cũng kiêu hùng nhất của lịch sử dân tộc trong cuộc đụng đầu với phương Tây. Ông nói: "Tôi viết cuốn sách này đặc biệt dành cho các bạn trẻ. Hy vọng tôi trình bày được cho các bạn những hình ảnh sống động về Chiến tranh và Cách mạng ở nước ta, gồm những nỗi niềm của cả mấy thế hệ người mình đã trải qua trong máu lửa và nước mắt".

(Báo vnexpress.net giới thiệu ngày 8/11/2013)

Hiền Đỗ

(Thethaovanhoa.vn) - Tác giả Nguyễn Hữu Thái, cựu sinh viên Sài Gòn và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là những người đầu tiên lên tiếng trên đài phát thanh Sài Gòn để đón chào chiến thắng ngày 30/4/1975 sau khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

Đặt chân đến Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc), tháp Eiffel (Pháp), điện Capitol (Mỹ)... Nguyễn Hữu Thái đã viết trong hồi ký: "Tại sao từ những vùng đất xa xôi này, họ lại đến xâm lăng đất nước mình? Do yêu cầu khống chế của kẻ mạnh hay nhân danh những lý tưởng cao cả nào".

Cuốn hồi ký mang tên Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình trải dài nửa thế kỷ - từ năm 1945 tại Đà Nẵng, đến sự kiện thống nhất đất nước năm 1975 và về sau. Trong đó có giai đoạn tác giả tham gia phong trào đấu tranh của học sinh - sinh viên Sài Gòn thời chống Mỹ.

Ở tuổi 75, Nguyễn Hữu Thái, một trí thức từng được mời thỉnh giảng tại Đại học Stanford (Mỹ), viết sách về cuộc đời mình gắn liền với số phận dân tộc. Gần 20 năm qua, ông đi nhiều nước, nhất là Đông Á, Tây Âu và Bắc Mỹ đã giúp ông từ xa nhìn lại đất nước mình.

Nguyễn Hữu Thái viết cụ thể và thẳng thắn, bộc bạch: "Tôi tự hứa rằng mình phải nói thẳng và nói thật". Ông không thuần túy ca ngợi, thậm chí nhận định thế hệ mình là "một thế hệ ảo tưởng", tin nhiều vào huyền thoại, đặt niềm tin nhầm chỗ. Cuốn sách nhắc đến nhiều nhân vật có thật cùng thời, với cách đánh giá mà tác giả tự nhận là chủ quan.

Viết sách, tác giả mong muốn đóng góp phần mình trong xu hướng "tự vấn" hiện nay: "Tự vấn nghiêm túc mới mong nhìn ra được cái mạnh cái yếu của mình để tìm ra được con đường thích hợp tiến lên trong thời kỳ đấu tranh cam go để sống còn trong một thế giới ngày càng toàn cầu hóa". Vì vậy, cuốn sách viết về một thế hệ đã qua, nhưng hướng đến lớp trẻ.

Đặt ra cụm từ đối lập chiến tranh - hòa bình, ông muốn người đọc hiểu "chiến tranh là điều khủng khiếp làm băng hoại con người và xã hội, còn xây dựng trong hoà bình lại là một vấn đề không đơn giản khác".

Tác giả Nguyễn Hữu Thái sinh năm 1938 tại Đà Nẵng. Ông học Đại học Kiến trúc & Luật khoa Sài Gòn, nguyên Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn (1963-1964). Ông nghiên cứu Việt Nam học, từng thỉnh giảng tại Tây Âu, Bắc Mỹ và Việt Nam. Ông từng xuất bản sách về kiến trúc, lịch sử và đào tạo giới trẻ.

Hành trình của một sinh viên Sài Gòn từ chiến tranh đến hòa bình dày 495 trang, do Alphabooks và NXB Lao động ấn hành.

(Báo thethaovanhoa.vn giới thiệu 17/11/2013)

Hạ Huyền

Thể thao & Văn hóa

Xem thêm
Thông tin tác giả
Thông tin chi tiết
Tác giả Nguyễn Hữu Thái
Nhà xuất bản Nxb Lao động
Nhà phát hành Alpha books
Giá bìa 125.000 vnđ
Khối lượng 462.00 gam
Ngôn Ngữ Tiếng Việt
Kích thước 13 x 20.5 cm
Ngày phát hành 02/08/2019
Số trang 496
Cuoc-thi-review-sach-topsach.vn
Nhận xét từ bạn đọc
Đánh giá trung bình
4.5/5
star star star star star>
0 vote
GỬI NHẬN XÉT CỦA BẠN
  • Đánh giá của bạn về sản phẩm này:
  • Tiêu đề của nhận xét
Đăng nhập để nhận xét