Gái Công Xưởng - Tiếng Nói Từ Giữa Lòng Nước Trung Quốc Hiện Đại
Click để xem bìa sau

Gái Công Xưởng - Tiếng Nói Từ Giữa Lòng Nước Trung Quốc Hiện Đại

Tác giả: Leslie T.Chang
Gái Công Xưởng - Tiếng Nói Từ Giữa Lòng Nước Trung Quốc Hiện Đại Lượt xem: 227 người
Sách Kinh Tế, Sách về quản trị nhân sự
Gái Công Xưởng - Tiếng Nói Từ Giữa Lòng Nước Trung Quốc Hiện Đại 0 Vote

"Ngày nay Trung Quốc có khoảng 130 triệu lao động di trú. Trong các nhà máy, nhà hàng, công trường xây dựng, thang máy, dịch vụ chuyển phát, dọn dẹp nhà cửa, chăm trẻ, nhặt rác, tiệm cắt tóc, và cả nhà thổ nữa, hầu hết mọi lao động đều là dân nông thôn gốc. Ở tại thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải, người di trú chiếm khoảng một phần tư dân số, ở các thành phố công nghiệp miền Nam Trung Quốc, họ vận hành các dây chuyền lắp ráp của nền kinh tế xuất khẩu. Tổng cộng lại, họ tạo nên dòng người di cư lớn nhất trong lịch sử, gấp ba lần số người đã di cư từ châu Âu sang Mỹ trong suốt một thế kỷ."

Leslie T.Chang, cựu phóng viên Wall Street Journal, viết những dòng trên vào tháng Ba năm 2006, khởi đầu cho cuốn sách về những lao động nữ người Trung Quốc ở miền Nam nước này. Các cô gái rời quê nhà, hòa mình vào thế giới công xưởng khắc nghiệt, nơi bạn thậm chí sẽ mất bạn trai chỉ vì đánh mất cái điện thoại, hoặc một chút kỹ năng sử dụng máy tính đủ đưa bạn lên một tầng lớp mới trong xã hội. Trong cuộc vật lộn mưu sinh, họ đã nếm trải đủ mọi thành công cũng như thất bại cây đắng. Và vượt lên trên hầu hết các cuốn sách thời thượng khác về Trung Quốc, Gái công xưởng còn là bức tranh đầy thương cảm thiết tha, lưu lại trong lòng người đọc những ấn tượng khó quên về một lớp người đang tạo ra hàng hóa công nghiệp và tiêu dùng cho cả thế giới. Ấn tượng đó đồng thời mang lại một cái nhìn hai chiều về nước Trung Quốc hiện nay: Sự thịnh vượng kinh tế cùng những cái giá phải trả.

Mời bạn đón đọc.

Trong số 130 triệu lao động di trú hiện nay tại Trung Quốc có hơn một phần ba là phụ nữ - những người đang chịu nhiều rủi ro và mất mát để phục vụ cho công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa. Một trong những đặc điểm quan trọng của nữ lao động di trú là "họ có khuynh hướng trẻ hơn, tỷ lệ độc thân cao hơn, đi xa hơn và đeo bám thành phố lâu hơn nam giới".

Gái công xưởng(*) với ngôn ngữ nhuần nhuyễn giữa phóng sự ghi chép và nghiên cứu, là cuốn sách lặn sâu vào đời sống của những lao động nữ tại các công xưởng ở những thành phố công nghiệp như Thâm Quyến, Đông Quản, nhằm phơi bày đời sống khốc liệt, mất cân bằng, bất bình đẳng giới và phân biệt giàu nghèo cao độ đang diễn ra trong lòng xã hội Trung Quốc.

Tác giả Leslie T.Chang thâm nhập thực tế bằng những chuyến xe buýt đi lại giữa các khu công nghiệp, tiếp cận những thực tế u ám về tình cảnh của những người xa quê lên phố lập nghiệp: "Hầu hết mọi lao động di trú đều liên tưởng quê hương mình với nghèo đói và lạc hậu, thậm chí một số người còn ngần ngại không muốn nói ra tên ngôi làng của họ"; "Rời bỏ quê hương và làm việc trong nhà máy là việc khó khăn nhất họ từng làm. Đó cũng là một cuộc phiêu lưu. Thứ giữ họ ở lại thành phố không phải nỗi sợ mà là lòng kiêu hãnh: trở về sớm tức là đã thừa nhận mình thất bại. Rời quê hương và ở lại - xuất khứ - là để thay đổi số phận của bạn".

Vô số những chướng ngại mở ra trước mặt một nữ lao động di trú bình thường. Đó là sự khó khăn trong cơ chế quản lý nhân khẩu, sự vắt chanh bỏ vỏ của các ông chủ thực dụng, người lao động nhập cư phải chấp nhận cái nhìn thiếu thiện cảm của người thành phố. Hầu hết những người ly hương trẻ ngày nay không ra đi từ đồng ruộng: họ đến từ trường học. Đồng áng giờ là việc mà họ quan sát cha mẹ mình làm".

Thế thì, ngoài khát vọng đổi đời, kiếm sống, họ đến thành phố còn vì điều gì? Cuốn sách hé lộ: "Trong các phiếu điều tra, những người di trú đã xếp "biết đó biết đây", "phát triển bản thân" và "học kỹ năng mới" cũng quan trọng như là tăng thu nhập vậy. Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân khiến người ta bỏ quê nhà ra đi không phải là sự nghèo đói làm méo mó nông thôn mà là tình trạng nhàn rỗi - nhà chẳng có gì để làm cả, vì vậy tôi ra đi".

Từ đây có người may mắn tìm được dịp đổi đời, có kẻ lại chôn tuổi xuân trong những công xưởng, quên hết ý niệm thời gian, hạnh phúc riêng, có kẻ lao vào những khóa "ngoại ngữ công xưởng" để "thăng tiến" thu nhập, kẻ khác ngấp nghé cơ hội đổi đời thì mưu cầu hạnh phúc bằng cách tham gia các câu lạc bộ kết bạn, nơi mà tình người hết sức rủi ro và tạm bợ, cũng có người bị "trật khớp" văng ra khỏi cỗ máy chung và rơi vào những bẫy tệ nạn xã hội...

Hàng chục chân dung cụ thể, hàng chục tình cảnh được Leslie T.Chang đưa vào sách minh chứng cho sự đa dạng trong việc kiếm tìm mục đích sống của những cô gái công xưởng. Một trong những chi tiết từ quan sát tinh tế của tác giả cho thấy một thực tế đau lòng: Trên các bức tường thành phố, cạnh những tờ quảng cáo tuyển dụng lao động, phòng khám chữa bệnh giang mai là thông báo tìm người mất tích. Những thông báo của người nhà từ nông thôn gửi lên. Và, từ đây, tác giả nhìn sâu vào vật bất ly thân của người công nhân là chiếc điện thoại di động, để giải mã: nó là vật ghim giữ sự tồn tại của con người với một nơi nào đó, vừa là kênh giao tiếp, tâm tình, than thở, là phương tiện giải trí và khoa trương...

Một bức tranh với gam màu ảm đạm, đầy thương cảm từ một thực tế mà những nhà chính trị luôn muốn khỏa lấp bằng vẻ ngoài thịnh vượng và sự tăng trưởng. Cuốn sách này từng giành giải non-fiction (phi hư cấu) năm 2009 của hội văn bút Mỹ (PEN) và lọt vào 100 cuốn sách đáng đọc do tờ The New York Times bình chọn.

Với bạn đọc Việt Nam, bức tranh gái công xưởng tại công xưởng thế giới Trung Quốc mà cuốn sách này phơi bày gợi những liên tưởng sống động, thời sự và hết sức gần gũi.

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Xem thêm
Thông tin tác giả
Thông tin chi tiết
Tác giả Leslie T.Chang
Nhà xuất bản Nxb Lao động
Nhà phát hành Nhã Nam
Giá bìa 125.000 vnđ
Khối lượng 781.00 gam
Ngôn Ngữ Tiếng Việt
Kích thước 16 x 24 cm
Ngày phát hành 02/08/2019
Số trang 507
Cuoc-thi-review-sach-topsach.vn
Nhận xét từ bạn đọc
Đánh giá trung bình
4.5/5
star star star star star>
0 vote
GỬI NHẬN XÉT CỦA BẠN
  • Đánh giá của bạn về sản phẩm này:
  • Tiêu đề của nhận xét
Đăng nhập để nhận xét