Động Vật Trong Thành Phố - Tái bản 08/08/2008
“… Tất cả các văn phòng công sở từ hành chính nhà nước, luật pháp, công ty xí nghiệp đến di tích, từ trung tâm bảo vệ động vật quý hiếm, sở thú, rạp xiếc, nhà hát, đài truyền hình, toà soạn báo, hội nhà văn, trường học, các viện nghiên cứu, bệnh viện, sở cảnh sát đến quảng trường đều lặng im đến ngây người. Chưa bao giờ xảy ra sự cố này. Cả thủ đô ngủ ngon. Người ta ngủ như bị hít phải một thứ bùa mê nào đó vừa mới càn quét qua thành phố. Người ta ngủ như thể cả bốn ngàn năm văn hiến này thao láo mắt mất ngủ rã rượi nhưng chẳng để làm gì. Tài xế, cu li ngủ đã đành, đánh giày, ăn mày ngủ đã đành, mà các giáo sư tiến sĩ, doanh nhân, nhà văn hoá, nhà khoa học, chính trị gia cũng ngủ ngon giữa cái khoảnh khắc êm đềm hớ hênh trong buổi chiều thu muộn khí trời thanh tao lụa là ấy.
Lá vàng bay mù trời. Có thể trong nhựa cây của lá đã đồng loạt toả ra một mùi huơng lẩn vào gió ru mê ru mộng cả thủ đô? Không thể như thế được. Thế thì cả nghìn năm nay chả có cá nhân nào ngủ theo lối như vậy dù biết bao nhiêu cây cối đã bị B52 tàn phá mười ngày đêm đến chuyện công ty cây xanh cưa đi trồng lại biết bao lần. Nói cách khác, sự lạ ấy là bất khả thi. Nó là một cơn đột hứng hội tụ tất cả không gian huyền thoại dân gian cuốn về trong một ngày như lớp sóng khiến cuộc đời thường ngày không thể đối kháng hay chuẩn bị đón nhận.
Mà người ta cũng chẳng cần tri kiến hay chống lại nó làm gì. Người ta cảm thấy an toàn trong nó. Ngủ say trong nó như thể hệ luỵ là lẽ đương nhiên. Người ta ngủ vạ vật từ đường phố đến siêu thị, từ công viên đến chùa chiền, nhà thờ, từ trên bàn làm việc công sở đến hành lang bệnh viện, từ trên những sân thượng sang trọng đến những ngõ xóm vỉa hè dơ bẩn lụp xụp…
Bao nhiêu con người với bao nhiêu công việc bỏ dở.
Cơn ngủ như đám mây kéo tới bao trùm xuống kinh kỳ nghìn năm…” (Trích đoạn ngắn trong “Vẫn như mù sương như thế đến hôm sau”).
Nếu ta chết trong khi làm tình, nếu một cơn bão ào qua thành phố, vùi lấp tất cả? Chữ 'nếu' đuổi theo nhau trên con chữ gân guốc khiến tập truyện ngắn mới nhất của Nguyễn Vĩnh Nguyên là cuộc thử nghiệm cảm xúc day dứt.
Nếu ta chết trong khi làm tình, nếu một cơn bão ào qua thành phố, vùi lấp tất cả? Chữ 'nếu' đuổi theo nhau trên con chữ gân guốc khiến tập truyện ngắn mới nhất của Nguyễn Vĩnh Nguyên là cuộc thử nghiệm cảm xúc day dứt.
13 truyện ngắn của Động vật trong thành phố là những truyện ngắn không nổi bật về tính "truyện". Trang viết không mở ra những thứ tự lớp lang về tình tiết, thời gian hay không gian với những nhân vật cụ thể. Nhiều truyện trong tập sách này được viết với bút pháp ẩn dụ. Đôi khi tác giả cố tình tạo cho người đọc cảm giác đang tiếp xúc với những văn bản rời rạc, được chắp vá, liên kết với nhau. Điều đó phần nào cũng giống như cảm xúc của con người trong thời đại hôm nay. Khi cuộc sống trôi qua với nhịp quá nhanh, thật khó để giữ cảm xúc nào đứng yên. Thoắt vui đó, thoắt buồn đó, và chắc chắn không thể tránh được khoảng hẫng, hụt cùng những cú sốc, phập phồng và bất an.
Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên trải đầy những ồn ào, xô bồ bất tận của cuộc sống. Nào là chuyện động đất, người chết, những phi vụ làm ăn, đến những cuộc tình chao đảo trong cuộc tìm kiếm thể xác và tâm hồn. Dư chấn , truyện mở đầu tập sách gồm những văn bản ghép Đêm trước - Happy - Đứt gãy thời gian - Triết lý đập muỗi - Buổi sáng cuối cùng với The Beatles. Những văn bản tản mạn này dẫn dắt độc giả qua nhiều tầng cảm xúc của hai kẻ đang yêu nhau. Và hai con người bé nhỏ lo sợ hạnh phúc bình dị có thể bị đe dọa đến từ một tai ương, một trận động đất mà cũng có thể đến từ tâm hồn mệt mỏi trước những bon chen.
"Nothing's gonna change my world. Nothing's gonna change my world" (Không có gì sắp thay đổi thế giới của tôi...)
Đoạn kết của Dư chấn là điệu luyến láy "lạnh người" trong bài hát của Across The Universe của nhóm The Beatles. Rốt cuộc, có thể những dự cảm về bất an là không đúng, hoặc không cần thiết để cứ phấp phỏng. Điều quan trọng là tận hưởng và giữ gìn cuộc sống như thế nào.
Cũng như vài cây bút thuộc thế hệ mà mấy năm trước đây được gọi là "nhà văn trẻ", trang viết của Nguyễn Vĩnh Nguyên thể hiện tâm thế của con người đầy tâm trạng và suy tư. Hình ảnh ẩn dụ mà họ thường sử dụng trong tác phẩm của mình là những cơn bão, trận địa chấn, chuyến tàu lao xé trong màn đêm, hoặc là mô típ "biến mất"... Truyện Biến mất không đều của Vĩnh Nguyên là một thử nghiệm thú vị về cảm xúc này. Nhân vật trong truyện không giữ được hình hài và trở thành kẻ vô hình lang thang, được dịp quan sát những màn kịch vẽ ra trong mối quan hệ của những người xung quanh. Và có lúc, anh ta "vô hình" không đều, có khi chỉ vô hình toàn thân và chừa mỗi cái đầu. Đó chính là điểm nhấn của bi kịch.
Dường như tính ẩn dụ của những truyện ngắn còn ùa vào bìa sách khi các bức tranh của họa sĩ Nguyễn Thái Tuấn được dùng làm minh họa. Không đầu, mình, chân tay... bộ quần áo mang dáng người đang bất động đứng, ngồi. Một chút giễu cợt và chua chát, "bộ áo" không chỉ làm nên "thày tu" mà còn làm nên cả con người. Và khi quá ngột ngạt, khi có đôi lúc không chịu nổi được cuộc sống, chắc không ít người muốn biến đi. Hoặc vĩnh viễn, hoặc trong chốc lát. Để rồi nếu có quay trở lại, hy vọng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, tươi mới hơn.
Thoại Hà
(Nguồn: VnExpress)
Câu hỏi mở đầu cho truyện ngắn Biến mất không đều (trong tập truyện Động vật trong thành phố của Nguyễn Vĩnh Nguyên, NXB Hội Nhà văn ấn hành) có vẻ khá liêu trai. Ai lại đi hỏi người khác về hình ảnh của chính mình.
Câu hỏi mở đầu cho truyện ngắn Biến mất không đều (trong tập truyện Động vật trong thành phố của Nguyễn Vĩnh Nguyên, NXB Hội Nhà văn ấn hành) có vẻ khá liêu trai. Ai lại đi hỏi người khác về hình ảnh của chính mình .
Nhưng thật sự là nhân vật Mi đã để lạc mất mình, có khi chỉ còn lại cái đầu bay lướt trong phòng họp, lượn qua các hàng ghế để tránh những cái nhìn tò mò, kinh hãi của bao nhiêu người. “Có ai thấy tôi ở đâu không?” – một sự biến mất, rơi rụng dần từng phần cơ thể. Con người tồn tại nhưng không hiện hữu. Trí óc hoạt động nhưng chân tay quơ quào vẫn chỉ chạm vào không khí, đi xuyên qua người khác, tự do tung hoành trong khoảng không riêng mình nhưng lại tê điếng khi nhận ra mình đứng bên ngoài cuộc sống, không chạm nổi một ai.
Từng được độc giả biết đến qua các tác phẩm: Phù du phố núi, Khu vườn lưu lạc, Năm mười mười lăm hai mươi… nhưng với Động vật trong thành phố, Nguyễn Vĩnh Nguyên như đánh đố người đọc với từng câu chữ. Một cõi người dị thường, khắc khoải và đau. Con người như đi lạc ra khỏi trục quay cuộc sống, rồi lại nháo nhào chạy bổ trở về lục tung cái “hệ thời gian - một hình dung luôn bị xé vụn, nhàu nát, tả tơi” để tìm mình, tìm người, tìm đời.
Thật không dễ dàng để hiểu những câu chữ cứ như lơ lửng, chập chùng ở chốn nào của Nguyễn Vĩnh Nguyên: “Những sinh vật đang chung sống với loài người trong một thành phố hay trên cùng một hành tinh; những giống no tròn, sinh sôi mà không cần nội tâm và tự vấn về sự diệt vong và tiến hóa; những xứ sở mà lời nói con người luôn được phát ngôn, hành vi được thể hiện ra bên ngoài khác với ý nghĩ kết tủa, lóng sạn và ẩn mật bên trong...”. Tác giả như nhìn cuộc sống qua chiếc kính hiển vi có công năng soi rõ, lột trần từng ngõ ngách của các tế bào thần kinh người. Và những kết quả giám định sau cùng khiến người đọc cảm thấy sợ hãi, rã rời.
Người – không khác hơn một động vật có ý thức nhưng lại sống, di chuyển và tiến hóa theo kiểu vô thức, lắm lúc tàn nhẫn, lạnh lùng và bất chấp tất cả. Người – không khác hơn một động vật sinh sôi nảy nở ngày một nhiều và tính cách cũng thiên biến vạn hóa nhưng lại không xuôi theo chiều của văn minh tiến hóa mà càng lúc càng trở thành những gương mặt tấn công vào chính cuộc sống của mình. Người – những kẻ tự do và thống trị, nhưng đôi lúc giam hãm chính mình trong vòng vây của những toan tính...
Và cuộc sống cứ thế mà trôi đi...
Tiểu Quyên (Nguồn: Báo Người Lao Động)
(Động vật trong thành phố, tập truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên, NXB Hội Nhà Văn)
Người đọc có thể tìm ra nhiều vệt gãy trong cuốn sách này. Đó có thể là vệt đứt gãy gây ra cơn động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên (Trung Quốc), trận chấn động nhẹ ở TP.HCM, Hà Nội năm trước, hoặc kín hơn là vết gãy trong lòng hai tình nhân thò chân ra ô cửa sổ trong một chiều dông bão, vết gãy văn hóa theo chân cụ rùa hồ Gươm lang thang phố cổ một ngày dửng dưng. Vết gãy thiên nhiên và vết gãy lòng người, ai biết được vết nào sâu thẳm và khó lường hơn?
(Động vật trong thành phố, tập truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Nguyên, NXB Hội Nhà Văn)
Người đọc có thể tìm ra nhiều vệt gãy trong cuốn sách này. Đó có thể là vệt đứt gãy gây ra cơn động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên (Trung Quốc), trận chấn động nhẹ ở TP.HCM, Hà Nội năm trước, hoặc kín hơn là vết gãy trong lòng hai tình nhân thò chân ra ô cửa sổ trong một chiều dông bão, vết gãy văn hóa theo chân cụ rùa hồ Gươm lang thang phố cổ một ngày dửng dưng. Vết gãy thiên nhiên và vết gãy lòng người, ai biết được vết nào sâu thẳm và khó lường hơn?
Sự ngột ngạt cảm thấy từ những trang viết đôi khi làm ta ngạc nhiên vì phần lớn nó được viết trên bề mặt của sự hài hước, tếu táo. Một đời sống bị vây bức, khu biệt trong phạm vi cá nhân rất hẹp, những ẩn ức giấu kín, không nơi chia sẻ phát tiết ra các hành động.
Có thể thấy rất gần một thằng bé nằm im thở ra bong bóng ngập nhà, sau khi ăn hết vài ống kem đánh răng (Xuất hiện bong bóng lúc về sáng) và cụ già đi mãi về cõi chết trên chiếc ghế mây khi hoàn tất bộ sưu tập ảnh cáo phó trên báo (Đi qua buổi chiều). Khoảng cách gần đến đáng sợ của một buổi chớm sáng - một buổi chiều tà, một thằng bé chưa biết nói và cụ già im lặng, là bằng chứng của những vệt đứt gãy đang lớn dần và có nguy cơ cô lập, mài mòn mỗi chúng ta.
Những vệt gãy đẩy các nhân vật ra xa nhau, khiến người đọc bơ vơ không biết chọn phía nào để đặt cược cảm xúc. Như đôi chớm tình nhân cùng du hành trên chuyến tàu, họ có cảm giác bánh tàu đã nghiến lên ai đó. Với cảm giác đó người con gái đòi quay lại, tìm hiểu, còn chàng trai lại cố lờ đi, cố hi vọng một đoạn kết đẹp tại thị trấn mà họ hướng tới. Hai ngã rẽ suy tưởng đã đẩy họ ra xa nhau, người đọc bất giác nghĩ “ta sẽ làm gì khi ấy?” (Đoạn kết ở thị trấn Rừng). Không ai trả lời được, các câu hỏi đóng kín, chỉ thấy một buổi sáng ở thị trấn Rừng đến một cách chậm chạp và nhiều mâu thuẫn.
Các đoạn trích và phụ lục, các câu đùa cợt khiến từng truyện ngắn càng khó minh giải, rạch ròi trong ý tưởng. Các vết gãy đan chồng, nở rộng, cắt chéo qua nhau trong lòng từng nhân vật và ảnh hưởng đến các nhân vật khác. Các vết gãy dích dắc và vô tận. Hạnh phúc biết mấy khi ai đó gấp sách lại và nhận ra không có vết gãy nào trong truyện có ảnh hưởng hay trùng lặp với mình.
Vương Thuấn (Nguồn: Báo Tuổi Trẻ)
Xem thêmTác giả | Nguyễn Vĩnh Nguyên |
---|---|
Nhà xuất bản | Nxb Hội Nhà Văn |
Nhà phát hành | Youbook |
Giá bìa | 125.000 vnđ |
Khối lượng | 190.00 gam |
Ngôn Ngữ | Tiếng Việt |
Kích thước | 13x21 cm |
Ngày phát hành | 02/08/2019 |
Số trang | 168 |
- Đánh giá của bạn về sản phẩm này:
- Tiêu đề của nhận xét