Đất Trời Vần Vũ
Click để xem bìa sau

Đất Trời Vần Vũ

Tác giả: Nguyễn Một
Đất Trời Vần Vũ Lượt xem: 325 người
Sách Văn học Trong Nước, Tiểu thuyết việt nam
Đất Trời Vần Vũ 0 Vote

“… Tiếng tru dài cùng tiếng hét từ sau vườn làm ông nhíu mày, hắt ly rượu xuống sông. Trong căn nhà nhỏ rào kín bằng song sắt sau vườn, một con người to lớn và lông lá như con vượn đang gào lên nhảy choi choi trong chiếc lồng, đầu hắn nghiêng qua một bên.

- Hú ú ú hà, giết chết nó!

Đôi mắt điên dại của hắn long lên sòng sọc, hắn cào cấu vươn tay về phía người đàn bà đẩy bát cơm vào lồng sắt. Hắn bốc cơm ném vào người đàn bà. Người đàn bà dịu dàng:

- Mẹ đây mà Thắng, ăn đi con!

- Hú ú uuu hà, giết chết nó!

Hắn vươn tay chụp được mái tóc của bà kéo về phía chồng và nức nở khóc.

- Mẹ! Mẹ ơi! Hãy thả con ra, hu hu hu!

Người đàn bà cam chịu để hắn níu mái tóc của mình và khóc theo con. Tư Ngồng đứng lên đi về phía chuồng, đánh mạnh vào tay hắn, thấy ông, hắn buông người đàn bà và hú lên:

- Hú ú ú hà, giết chết nó!

Ông đỡ người đàn bà, đầu tóc rối bù, nhưng gương mặt của bà đẹp lạ lùng, đôi mắt buồn thăm thẳm. Ông gầm lên với bà:

- Hãy giết nó đi!

Ông giận dữ, vào nhà thay quần áo và bỏ đi.

Chiếc xe hơi màu đen bóng lộn lăn bánh ra khỏi cổng, bà Lan lặng lẽ đi theo chồng đóng cánh cổng sắt nặng nề lại, ông đi thẳng không hề quay nhìn lại...” (Trích đoạn đất trời vần vũ)

- “Nguyễn Một đã mở ra cho chúng ta thấy một Đồng Nai bề bộn, ngổn ngang. Bề bộn, ngổn ngang người với nhiều tính cách, nhiều số phận khác nhau. Bề bộn, ngổn ngang đất, bề bộn ngổn ngang sông nước với bề bộn ngổn ngang công việc. Điều này thể hiện vốn sống trong Nguyễn Một khá dồi dào” – Nhà văn Nguyễn Đức Thiện

- “Nguyễn Một hay dùng đến cái chết như là một “thi pháp ngược”. Nhân vật dường như đã chết, nhưng cái chết của họ lại kéo ngược lại thời gian, gợi cho người đọc nỗi khắc khoải về tình yêu, về cuộc sống. Sự tồn tại của những con người ấy chuyển vào một nhân vật nào đấy, đúng hơn, đó chính là sự lan truyền của những mối dây tình cảm và ước vọng” – Nhà văn Trần Thu Hằng

- “Một cuốn tiểu thuyết không dành cho người thần kinh không đủ mạnh, để tiếp nhận những nỗi đau khủng khiếp của nhân vật trong nhiều chiều không gian khác nhau. Đất trời vần vũ, sự ám ảnh khốc liệt về cái chết, chiến tranh, hận thù và tình yêu” – Nhà báo Trần Đình Thu

- “Đọc truyện Nguyễn Một người ta không hình dung thời gian cho mỗi tình huống truyện, không ước đoán nhân vật này sống ở khoảng nào. Đó là cái độc đáo của tác giả, bởi tác phẩm văn học thường mạnh khi kể về con người nói chung và cái “cõi nhân gian”, nơi người ta sống bao dung dễ tha thứ và cái hằng ngày làm cho mỗi chúng ta tốt lên” – Nhà văn Lê Minh Khuê.

Mời bạn đón đọc.

Cù lao Dao có hình một lưỡi dao sắc lẹm cắt đôi dòng sông của một miền quê vùng Đông Nam Bộ. Ở đó nén chặt nhiều số phận con người với những bi kịch khủng khiếp và những cái chết thê thảm.

Cù lao Dao có hình một lưỡi dao sắc lẹm cắt đôi dòng sông của một miền quê vùng Đông Nam Bộ. Ở đó nén chặt nhiều số phận con người với những bi kịch khủng khiếp và những cái chết thê thảm.

Từ những số phận đó có thể cảm nhận và suy tư về thân phận dân tộc trong một giai đoạn lịch sử suốt mấy trăm năm. Thủ pháp xây dựng  một "thế giới song song" trong "Đất trời vần vũ" của Nguyễn Một đã kết nối được các nhân vật trong từng thời gian và không gian khác nhau thành một hệ thống nhân vật thuộc về vùng đất cù lao Dao bé nhỏ mà bi kịch của mỗi người đều gắn liền với "lưỡi dao quyền lực". Từng trang sách dẫn dắt người đọc trở về với những lưu dân ba trăm năm trước đi khai khẩn phương Nam, những danh tướng trấn biên thời mở cõi, những dòng họ tướng lĩnh Trung Hoa lánh nạn, những người lính, du kích trong chiến tranh chống Mỹ, những cán bộ quyền cao chức trọng sau chiến tranh. Nguyễn Một đã công phu tra cứu từng chi tiết trong chính sử để pha loãng nó vào trong văn chương và cung cấp cho đọc giả một cách tiếp cận khác đối với lịch sử. Bởi vì, như tự tình của một nhân vật: "Đôi khi lịch sử có thể bị sửa lại bởi tự ái của ông vua nào đó. Thầy không tin lắm vào sách lịch sử nhưng thầy tin vào nhân dân. Nhân dân không sai bao giờ, khi dân đã thờ ai thì người ấy nhất định có công trạng và đức độ, dù sử sách có công nhận họ hay không, thì họ vẫn ở trong lòng dân". Thời gian và không gian của từng gian đoạn lịch sử đan xen với nhau, những cuộc chiến tranh bằng đao kiếm mấy trăm năm trước và những cuộc chiến tranh bom đạn quật xuống chiếc cù lao hình lưỡi dao, đẩy con người đến tận cùng của đau khổ. Cảnh chết chóc trùm lên một vùng đất, uất nghẹn và đặc quánh mùi tử khí. Lương dân vô tội ngã xuống từng ngày, "nông thôn là chiến trường cho các cuộc chiến tranh, những người dân hiền lành cam chịu hứng trọn những đau thương do chiến tranh mang lại, ngày xưa cũng thế, bây giờ cũng thế và chắc là sau này cũng thế". Chiến tranh ám ảnh vùng đất cù lao đến nỗi đứa bé con của Tư Ngồng, sinh ra không còn hình dạng người, cho đến khi lớn lên và chết đi, suốt ngày chỉ kêu gào đòi bắn giết, nó không phải là con người mà là "hình hài của cuộc chiến". Chiến tranh đã qua đi khỏi cù lao Dao, nhưng nỗi ám ảnh về chiến tranh vẫn còn đó. Vùng đất có qua nhiều can qua, chìm nổi, từng có nhiều bóng dáng của ngoại xâm nên con người luôn cảnh giác. Một nhân vật của thế giới song song trong "Đất trời vần vũ" của Nguyễn Một đã cảnh báo: "Sự xâm lăng là điều không thể tránh khỏi. Sau này con cháu chúng ta cũng bị xâm lăng như thế. Những cuộc xâm lăng diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, có khi dùng vũ lực, có khi bằng con đường ngoại giao, có khi bằng tiền bạc". Nguyễn Một cho rằng "Thực tế khác xa với sự thật. Thực tế nằm trong hiện thực của đời sống còn sự thật nằm trong tâm trạng của đời sống". Anh tự cho mình loại khỏi thực tế bằng cách không đi đâu, không đọc báo mấy tháng trời để khỏi bị lẫn tư duy và ngôn ngữ báo chí vào trong trang viết. Anh cố khám phá tâm trạng của đời sống bởi vì ở đó chôn giấu sự thật.   Sự thật không phơi bày lồ lộ như cái ta thấy, ta đọc, ta nghe. Anh chiêm nghiệm về một cù lao hiền lành lạc lõng giữa lo toan hối hả, cạnh những đua tranh của đời sống đô thị mà ở đó "con người phì nhiêu về thể xác và mục ruỗng trí tuệ bởi những dục vọng". Một số người dựa vào quyền lực để thực hiện lòng tham, sống xa hoa trên sự đói nghèo của dân chúng. Người dân thấy hết, hiểu hết, như bà Năm Trầu thấy rõ bộ mặt của cán bộ Tư Ngồng : "Tao ghét chúng nó khi có chức, có quyền rồi nói một đường làm một nẻo, chính thằng Tư Ngồng đang tính bán cái mảnh đất cù lao thiêng liêng này cho bọn Tây làm dự án dự iếc gì đó". Cù lao Dao tượng trưng cho một "lưỡi dao quyền lực". Lưỡi dao quyền lực đến tay ai thì sẽ biến con người đó trở thành tham vọng và độc ác. Để cuối cùng đi đến cái chết thê thảm là trái tim bị bể ra thành từng mảnh nhỏ như cái chết của Tư Ngồng.

Lê Chân Nhân

(Nguồn: Báo Lao động)

Xem thêm
Thông tin tác giả
Thông tin chi tiết
Tác giả Nguyễn Một
Nhà xuất bản Nxb Hội Nhà Văn
Nhà phát hành BachvietBooks
Giá bìa 125.000 vnđ
Khối lượng 370.00 gam
Ngôn Ngữ Tiếng Việt
Kích thước 13 x 20.5 cm
Ngày phát hành 02/08/2019
Số trang 344
Cuoc-thi-review-sach-topsach.vn
Nhận xét từ bạn đọc
Đánh giá trung bình
4.5/5
star star star star star>
0 vote
GỬI NHẬN XÉT CỦA BẠN
  • Đánh giá của bạn về sản phẩm này:
  • Tiêu đề của nhận xét
Đăng nhập để nhận xét