Dạo Bước Vườn Văn Hàn Quốc
Kim Hunggyu, một nhà nghiên cứu uy tín của Hàn Quốc, từng viết: “Quan điểm chung cho rằng có thể hiểu được hành xử truyền thống, thế giới quan, cảm thức thẩm mỹ và cái nhìn cảm xúc của một cộng đồng thông qua văn chương mà họ sáng tạo và phát triển là đặc biệt thích hợp với văn chương Hàn Quốc. (...) Do vậy, tìm hiểu văn chương Hàn Quốc trở thành một hành trình bổ ích giúp chúng ta khám phá những giấc mộng và nỗi lo âu, vinh quang và thất bại, niềm vui và nỗi buồn của người Hàn qua các thời đại”(1).
Với hy vọng khám phá như vậy, cuốn sách này muốn mời quý vị bạn đọc bước vào vườn văn Hàn Quốc, hân thưởng chút ít sắc hương trong muôn ngàn hoa trái. Và cùng trò chuyện về văn chương Hàn Quốc trong đối thoại với văn chương Việt Nam.
Ở những câu chuyện văn chương Hàn Quốc và Việt Nam gần gũi nhau, quý vị có thể lắng nghe khúc song tấu, nhận ra hòa âm hoặc các phức điệu tinh tế.
Ở những câu chuyện văn chương Hàn Quốc đặc thù không tìm thấy nét tương đương trong văn chương Việt Nam, hãy để chúng độc tấu bản sắc riêng biệt của mình.
Có cả những câu chuyện về tiếp xúc, giao lưu giữa văn chương hai dân tộc, những câu chuyện về văn chương Hàn Quốc đã đến trong sự đón nhận của người Việt Nam từ xưa tới nay.
Nghĩa là đem soi những tấm gương trong nhau, để có thể hiện ra chiều sâu ẩn chứa, mở ra một thế giới vừa quen vừa lạ, nơi chúng ta đi vào nền văn học, văn hóa của tha nhân trong khi luôn luôn đang đồng thời trở về, cảm hiểu hơn chính tâm hồn dân tộc chúng ta.
Trước khi bán đảo Hàn bị chia cắt bởi vĩ tuyến 38 (bắt đầu từ năm 1945 và chính thức từ năm 1953), có một nền văn học truyền thống của chung toàn bán đảo. Sau khi chia cắt, miền Bắc và miền Nam thành hai quốc gia. Ở miền Bắc (North Korea) là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Joseon Minjujueui Inmin Gonghwaguk), cách gọi tắt quen thuộc ở Việt Nam là Triều Tiên. Ở miền Nam (South Korea) là Daehan Minguk (Đại Hàn Dân Quốc), cách gọi tắt quen thuộc ở Việt Nam là Hàn Quốc.
Trong sách này, khi trình bày về văn học dân gian và văn học cổ điển, chúng tôi xin dùng thuật ngữ “văn học Korea” (Korean Literature), không phân biệt Bắc (North Korea) và Nam (South Korea). Khi trình bày văn học hiện đại, chúng tôi tập trung giới thiệu văn học Hàn Quốc (South Korea). Sở dĩ như vậy một phần căn bản là do điều kiện tư liệu về văn học Triều Tiên (North Korea) còn rất thiếu thốn ở Việt Nam. Ngay cả về văn học dân gian và văn học trung đại, giới nghiên cứu ở Việt Nam hiện nay, về cơ bản cũng chỉ dựa vào nguồn tư liệu tác phẩm, tài liệu tham khảo của Hàn Quốc. Khái niệm “Hàn Quốc” trong tên của sách này được hiểu theo nghĩa rộng với phạm vi “bán đảo Hàn” cho đến trước chia cắt Bắc - Nam, được hiểu theo nghĩa hẹp với phạm vi “Đại Hàn Dân Quốc” (South Korea) từ sau khi chia cắt.
Khi kể những câu chuyện văn chương trong sách này, chúng tôi đã kế thừa những công trình nghiên cứu văn học Hàn Quốc, nghiên cứu so sánh văn học, văn hóa Hàn - Việt của các học giả trong nước và nước ngoài đồng thời cố gắng để có đóng góp riêng, thử tìm kiếm những đề tài mới, thăm dò những khía cạnh mới, biểu đạt bằng giọng điệu mới... Rốt cuộc, lối kia, nẻo nọ, chúng tôi đã nâng niu một ít trái hoa; cung ấy, điệu đây, chúng tôi đã lựa vài giai âm tha thiết.
Nếu hành trình này khơi gợi được nơi quý vị niềm cảm hứng để tiếp tục tìm đọc các tác giả, tác phẩm thì đó là hạnh phúc mà nền văn học Hàn Quốc xứng đáng được trao tặng. Xin chân thành cảm ơn quý vị bạn đọc cầm sách này lên và sẵn lòng cùng chúng tôi dạo bước vườn văn xứ sở kim chi.
Thành phố Hồ Chí Minh, mùa xuân 2017
Phan Thị Thu Hiền
Xem thêmTác giả | Phan Thị Thu Hiền |
---|---|
Nhà xuất bản | Nxb Tổng hợp TP.HCM |
Nhà phát hành | NXBTH TPHCM |
Giá bìa | 125.000 vnđ |
Khối lượng | 792.00 gam |
Ngôn Ngữ | Tiếng Việt |
Kích thước | 15.5 x 23 cm |
Ngày phát hành | 02/08/2019 |
Số trang | 520 |
- Đánh giá của bạn về sản phẩm này:
- Tiêu đề của nhận xét