Combo Sài Gòn Chở Cơm Đi Ăn Phở (Bộ 2 Cuốn)
1. Sài Gòn Chở Cơm Đi Ăn Phở
Với một dân tộc mà cái ăn ám ảnh đến mức đi vào… lời ăn tiếng nói, thì dễ hiểu, bàn ăn không chỉ để dọn lên đó món ăn, mà còn là nơi phóng chiếu lịch sử, văn hóa, tâm tính cộng đồng và nhiều thứ khác. Viết về cái ăn của người Việt khó vô cùng. Khó là bởi sành ăn thôi chưa đủ, hiểu biết và ham mê kê cứu sách vở thôi chưa ổn, giàu ký ức về chuyện ăn uống thôi cũng chưa xong… mà phải nhập cuộc vào “cõi ăn” với một tâm thế tự do, cái tự do của người làm chủ thứ “cú pháp ăn uống” để một mặt không rơi vào cái bẫy phàm tạp, không đi lạc vào địa hạt nữ công gia chánh, càng không cao đạo, thiêng hóa mọi thứ theo kiểu “chủ nghĩa lưỡi dân tộc”.
Trước đây, các ông Vũ Bằng, Võ Phiến, Nguyễn Tuân, Sơn Nam… bằng những cách khác nhau, đã từng hướng văn chương đến miền thao thức với cái ăn, cách ăn của người Việt. Nhiều áng văn vẫn còn sống mãi với thời gian dù “đối tượng phản ánh” đã tam sao thất bổn qua biết bao bể dâu thế cuộc. Biết bao dâu bể đã xảy ra trên bàn ăn của dân ta!
Không cố tình dệt nên những áng văn hoa mỹ về chuyện ăn uống, Ngữ Yên, thậm chí làm ngược lại, “anti” cái sự kiểu cách vẽ vời để mong muốn chạm trực tiếp đến cái ăn cho được đúng như nó là, đúng như là nó – tự do, phóng khoáng, xả láng hài hước nhưng đau đáu, thâm trầm. Cách ăn “không son phấn” đó mang lại cho chúng ta nguồn dữ liệu thực, thực từ ngôn ngữ trên bàn ăn (cách dùng từ lóng, giễu nhại, bóng gió,…) đến câu chuyện sau cái ngon, cái chưa ngon là nỗi đời, sự đời mang tính phổ quát mà cũng rất đỗi riêng tây.
Chuyện ăn trong cõi ta bà của xứ Sài Gòn như cách tác giả cuốn sách này chọn kể hóa ra cũng một nẻo thong dong đi vào đời sống, gom nhặt biết bao ân tình! Dĩ nhiên, không tránh khỏi chuyện có những món ăn, cách ăn, giá cả nguyên liệu không còn ứng với tâm thế, nhận thức, không cập nhật với thời điểm độc giả cầm cuốn sách này. Nhưng có hề chi. Xin hãy đọc những dòng nắn nót về thịt chó hay dồi trường trong một tâm thế tiếp nhận bình tĩnh như đọc một đoạn ghi chép dân tộc học. Biết bao kiến thức y thực cũng vậy, có thể cách luận giải không phù hợp với ngày nay, nhưng xin hãy tiếp cận để biết thêm rằng, chưa xa, mới một, hai thập niên trước thôi, lối tư duy ấy đã từng chi phối trên nhiều bàn ăn của người Việt. Với cách nhìn đó, bạn sẽ thấy từng bài viết trong cuốn sách này là từng mảnh sử rời rạc. Một ngày nào đó chúng sẽ vô cùng hữu ích cho những dự án có tham vọng lớn hơn của bạn về ẩm thực.
Sau khi đi qua 280 trang sách với 64 lần dừng chân ở các tiêu đề từng bài, quay trở lại với nhan đề của hai bài đầu sách: Bếp lửa sinh thành và Tô canh khế, thả sách xuống ngực, đầu thong thả chợt nhớ về những món ngon đồng quê thời tuổi thơ, những miền đất mình đi qua, con cá lóc nướng rạ đặt trên đọt lá chuối ở bờ đìa. Và rất nhiều những khuôn mặt người mà mình từng gặp, từng ngồi cùng mâm mà lâu nay đã mờ khuất trong trí nhớ…
Với văn phong hóm hỉnh, đôi khi bông phèng, người viết dẫn độc giả từ quán thịt chó "xôm tụ" ở hẻm nhỏ trên đường Cống Quỳnh đến gánh hàng rong trên vỉa hè, quán phở trên đường Nguyễn Văn Đậu, Cách Mạng Tháng Tám, Phạm Văn Hai. Cuốn sách nhỏ vừa mang chút niềm tự hào của một người chuyên ăn hàng rong: Sài Gòn món gì cũng có, món ngon miền nào cũng hội tụ về đây; nhưng cũng phảng phất chút buồn khi trong thời đại công nghiệp, văn hóa ẩm thực Việt Nam có chút phôi phai, rồi ăn cái ngon mà nơm nớp lo hóa chất, lo ngộ độc thực phẩm. Mời bạn đọc cuốn “Sài Gòn chở cơm đi ăn phở” cùng cuốn sách mới nhất của Ngữ Yên được giới thiệu trong đợt này có tựa Sài Gòn, ồ bỗng ngon ghê! để hình dung đầy đủ về một hành trình khám phá ẩm thực.
2. Sài Gòn, Ồ Bỗng Ngon Ghê!
Người ăn rong 3 là sự tái ngộ với quý độc giả tri âm sau Người ăn rong 1 và Người ăn rong 2, với tựa Sài Gòn, ồ bỗng ngon ghê!. Tựu trung, đây là những câu chuyện ngắn về ẩm thực xứ Việt, đôi khi lẫn chút xứ người và đôi chút nhìn nghiêng ngó xéo về làn sóng “thực xâm” của các món ăn xứ người thời mở cửa trên mảnh đất Sài Gòn vốn chất chồng những lớp hưng phế của văn hóa ăn uống. Có những món ăn đã biến mất khỏi bàn ăn người Việt. Có những món đang lụi tàn. Có những món dân dã được phục tráng trên bàn ăn cao cấp. Chỉ là những câu chuyện ăn trong những lần rong ruổi khám phá ẩm thực đã lần lượt đăng trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị và Thế Giới Tiếp Thị. Nhại theo câu nói nổi tiếng của Julius Caesar: “Ta dến, ta thấy và ta chiến thắng”, Sài Gòn, ồ bỗng ngon ghê! kể chuyện theo kiểu “Tôi dến, tôi thấy và tôi ngợi ca/càm ràm” tùy theo may mắn nhiều hay ít của những lần đi. Nhưng cũng có khi xui tận mạng khi bước vào một quán ăn gặp những món hoặc là giả như cá nục ở nhiều quán trên mảnh đất cách biển gần 70 cây số này, hoặc là dở – dở thì không thể giới thiệu được, hoặc đại ngôn mà chỉ rất rất... tiểu táo, dành tiền mất, uất khí ráng ngậm mình ên.
Con người ta, trong khi ăn thường lộ ra nhiều thứ. Với Trần Công Khanh, cái ăn của anh rốt cuộc làm phát lộ ra anh là người ham… những chuyện xung quanh chuyện ăn. Nhờ vậy mà những chuyến dung dăng đi vào cuộc rong chơi ẩm thực của anh cũng tựa như hành trình khám phá đề tài cho trang báo. Nói tựa như, vì trong cái chuyện ăn để viết - viết để ăn ấy, bảo dễ thì cũng dễ xuôi lọt, còn bảo khó chắc cũng khó đến nghẹn ngào. Đọc chuyện anh ăn, thấy chính niềm yêu thích những thứ “bàng môn tả đạo” nằm bên ngoài mực thước tư duy ăn uống theo các “nhà ẩm thực” đã mang lại cho anh “cảm giác ngon” kỳ đặc hơn người. Cũng từ một chuyện nước mắm, nhưng cái khác nhau giữa Phú Quốc, Phan Thiết, Bình Định,… đâu chỉ là kết quả của cái lưỡi nếm trải. Mà đâu đó trong hành trình chưng cất từ cá đến mắm, có quan niệm gió mùa thời tiết, có cảm nhận nắng mưa gắt nhạt, có nghệ thuật dùng liều lượng và chất lượng muối biển thế nào…đều không ai giống ai. Những “cái khác” ấy không phải cái lưỡi sành ăn nào cũng chạm tới được.
Trong hành trình ăn rong, cái lưỡi của Công Khanh nhiều khi đến sau bước chân phóng sự và đôi tay ghi nhanh, nên cái ngon trong ẩm thực của anh gom gói nhiều chất vị lắm. Đó là chưa kể, cái sự ăn rong của anh thường khởi phát từ những ưu tư về thời quá vãng, nên miếng ngon của ngày hôm nay còn dắt díu cả những mối dây liên hệ từ thuở nảo nào trong tàng thư hay qua lời nhân chứng kể – mà lắm khi đấy chính là lý giải thuyết phục cho việc sinh ra, trường tồn lẫn biến thiên của các món ăn trong từng cộng dồng cư dân. Ấy gọi là trong khi đọc chuyện anh ăn, người ta còn ăn chuyện anh đọc nữa vậy. Hay như lời tác giả cho rằng việc đọc cũng như ăn, cần phải thay đổi món liên tục, thay vì cá theo cá thịt theo thịt. Thế mới ngon, mới thú...
Những điều được viết trong sách không còn nguyên tính chính xác vì thời gian viết và thời gian độc giả cầm trên tay cuốn sách này có một quãng cách nhất định bao nhiêu nước đã về xuôi, tồn hư thật vô thường.
Xem thêmTác giả | Ngữ Yên |
---|---|
Nhà xuất bản | NXB Văn hóa - Văn nghệ |
Nhà phát hành | Trí Việt |
Giá bìa | 125.000 vnđ |
Khối lượng | 506.00 gam |
Ngôn Ngữ | Tiếng Việt |
Kích thước | 13 x 20.5 cm |
Ngày phát hành | 02/08/2019 |
Số trang | 504 |
- Đánh giá của bạn về sản phẩm này:
- Tiêu đề của nhận xét