Trò Chuyện Triết Học
Click để xem bìa sau

Trò Chuyện Triết Học

Trò Chuyện Triết Học Lượt xem: 292 người
Sách Chuyên Ngành, Sách triết học, Triết học phương Tây
Trò Chuyện Triết Học 0 Vote

Tư tưởng đổi thay số phận

Có lẽ bạn ngán triết học vì nó khô khan, khó hiểu? Bạn ngại triết học vì nó thường tỏ ra áp đặt, giáo điều? Bạn xem thường triết học vì nó mông lung, vô bổ? Xin bạn hãy bình tâm một chút! Họp nhân viên lại, liệu kiến thức chuyên môn đơn thuần có đủ để giúp bạn "động viên" được họ? Bạn vẫn thường phải dùng đến những lời có cánh đó thôi! Giải quyết việc lương bổng hay... đền bù giải toả, chẳng lẽ người ta không một phút thoáng nghĩ đến khái niệm "công bằng"? Dạy bảo con cái đâu có thể chỉ dùng đến hai thứ duy nhất: cho roi cho vọt hoặc cho ngọt cho bùi? Nhìn chung, ta vẫn cứ "triết lý" hàng ngày giống như ông Jourdain luôn miệng làm "văn xuôi" mà không tự biết đấy thôi!

Triết gia Hegel bảo rằng ta vẫn có thể hô hấp và tiêu hoá mà không cần biết đến môn sinh lý học. Cũng thế, ta vẫn "triết lý" mà không cần đến triết học. Nhưng rồi dần dần, từ công việc trong đời thường, con người đặt câu hỏi về những gì tưởng như hiển nhiên. Từ xa xưa, ở phương Đông cũng như phương Tây, bắt đầu có sự phân biệt giữa những điều "ai ai cũng nói" với những điều một số ít người suy ngẫm lâu dài trước khi đi đến chỗ xác tín. Từ đó, triết học - cũng như mọi khoa học khác - không thể không bước vào "những tháp ngà", nếu muốn có sự yên tĩnh để suy nghĩ, sự khách quan để nhận định.

Nhưng, thật ra, nhìn kỹ lại, những tháp ngà ấy ít nhiều đều được xây dựng nên từ những bụi bặm trần gian. Khổng, Lão, Phật, Jesus, Socrate... những nhà tư tưởng lớn đầu tiên của nhân loại đều là những kẻ lữ hành, chia sẻ và lăn lộn trong sự phức tạp khôn cùng của chúng sinh. Rồi cũng dần dần, triết học lại rời khỏi "tháp ngà", đi vào cuộc đời để thực hiện các sứ mệnh của mình... Có khi thành công, có khi thất bại. Có khi tạo phúc, có khi gây hoạ. Và, cũng vì thế, nó luôn phải nhìn lại chính mình, tự phê phán, tìm con đường khác, phương thức mới...

Triết học trong cuộc sống ngày nay

Đời sống sôi động và cuộc cạnh tranh toàn cầu đầu thế kỷ 21 cho thấy: hơn bao giờ hết, thành bại, mất còn ngày nay phụ thuộc vào sáng kiến, ý tưởng và các chiến lược tư duy. Khi thế giới ngày càng... phẳng, khi thông tin, sự đào tạo và kỹ năng ngày càng đến được với mọi người, kiến thức thông thường không còn là lợi thế cạnh tranh nữa. Phương pháp, kể cả phương pháp mới, cũng không đủ giúp tạo nên lợi thế. Mạng lưới truyền thông toàn cầu nhanh chóng biến nó thành tài sản chung của mọi người!

Vậy, chính tiềm lực trí tuệ, văn hoá tư duy, thái độ tinh thần được tích luỹ và tinh luyện của một cá nhân, một dân tộc, một nền văn hoá mới tạo nên được sự khác biệt trong những giờ phút quyết định. Chúng giúp mang lại sự sáng tạo trên nền tảng đạo lý và tỉnh thức.

Cho đến nay, sự ganh đua về ý tưởng thường chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực kinh tế. Nhưng, sự khác biệt lại ngày càng diễn ra ở những lĩnh vực không ngờ tới. Kinh tế, dù quan trọng đến mấy, chỉ là một phương diện của cuộc sống; chất lượng sống đích thực không thể quy giản vào phương diện kinh tế. Do đó, triết học có thể giúp ta có được những nhận thức để cải thiện chất lượng cuộc sống, đồng thời, cuộc đời và phong cách tư duy của những đại triết gia cũng là những gương mẫu cho ta học hỏi trên nhiều lĩnh vực. "Hình thức cao nhất của thành tựu bao giờ cũng là một nghệ thuật, chứ không phải là khoa học" - người nói được câu ấy là Theodore Lewitt, một tên tuổi lớn trong ngành... tiếp thị!

Mời bạn đón đọc.

Mỗi bài viết trong sách giúp độc giả làm quen với một khái niệm triết học hoặc với một triết gia nổi tiếng từ những góc độ gần gũi nhất.

Bùi Văn Nam Sơn thành thạo nhiều thứ tiếng: Hy Lạp, Đức, Anh, Pháp, Hoa. Bùi Văn Nam Sơn chia sẻ: "Triết học có thể giúp ta có được những nhận thức để cải thiện chất lượng cuộc sống. Đồng thời, cuộc đời và phong cách tư duy của những đại triết gia cũng là những gương mẫu cho ta học hỏi trên nhiều lĩnh vực...". Nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét, Bùi Văn Nam Sơn có "một lối viết triết học cho số đông công chúng thật tài hoa và duyên dáng".

Buổi giao lưu diễn ra vào 9h sáng 28/6 tại phòng họp lầu 1, báo Sài Gòn Tiếp Thị, TP HCM. Các khách mời tham dự sự kiện này gồm có: Nhà văn Nguyễn Trọng Tín, Nguyên Ngọc, Trần Thanh Giao, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, nhà thơ Nguyễn Duy, nhạc sĩ Dương Thụ, Giáo sư - Tiến sĩ Huỳnh Như Phương (Đại học Khoa học xã hội và nhân văn), tiến sĩ Mai Sơn (Đại học Hoa Sen), ông Chu Hảo - giám đốc NXB Thời Đại, tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc... cùng giảng viên và sinh viên khoa Triết học của Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM.

Dịch giả Bùi Văn Nam Sơn sinh năm 1947 tại Vĩnh Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam trong một gia đình có truyền thống hiếu học.

Ông từng học triết tại đại học Văn khoa Sài Gòn từ 1964 - 1968. Ông cũng trải qua môi trường học tập tại khoa Triết, đại học J. W. Goethe, Frankfurt/M, Cộng hòa Liên bang Đức từ năm 1968 và là học trò ruột của hai nhà triết học hàng đầu thế giới Karl Otto Apel và Habermas. Bùi Văn Nam Sơn đã có nhiều năm học tập và giảng dạy đại học tại Đức. Ông từng là Chủ tịch Hội Người Việt Nam ở Đức.

Chi Mai.

Mở đầu tác phẩm Trò chuyện triết học, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn đã viết "nhẹ nhàng" như thế.

Có lẽ đây là tập sách về triết học được nhiều người quan tâm nhất,, một phần cũng vì cách viết như trò chuyện, dí dỏm, chuyên sâu mà dễ hiểu. Nhà văn Nguyên Ngọc đã đánh giá: "Bùi Văn Nam Sơn đã lặng lẽ và tận tụy làm một lúc cả hai việc: đưa triết học kinh điển và cập nhật ở tầm mức hàn lâm đến cho người đọc Việt Nam, đồng thời tài hoa đến duyên dáng thường xuyên nói một cách thật giản dị dễ hiểu với công chúng tương đối rộng rãi trong nước những vấn đề khó nhất, tinh tế nhất của triết học. Đóng góp này thực sự to lớn, mang tính khai hóa sâu sắc, chắc chắn sẽ còn ảnh hưởng lâu dài".

Thật vậy, có những vấn đề cao xa, khó hiểu nhưng tác giả có cách trình bày để những người dù không thích triết học cũng có thể đọc và hiểu. Chẳng hạn, giải thích về "bản thể" Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn viết:

"Hãy thử đọc hai cặp lục bát sau đây trong Truyện Kiều theo kiểu... triết học:

(1) Thuý Kiều sắc sảo, khôn ngoan Vô duyên là phận hồng nhan đã đành

(2) Thịt da ai cũng là người Lẽ nào hồng rụng thắm rời chẳng đau!

Câu (1) cho biết cô Kiều là như thế nào. Nhưng, các đặc điểm ấy không ổn định (cô Kiều có khi cũng... dại dột!) và nhất là, không thể tồn tại độc lập mà không gắn với cô Kiều. Chúng có thể thay đổi, nghĩa là, không nhất thiết cứ như thế mãi (hậu vận cô Kiều đâu có... vô duyên!). Vì thế, Aristoteles bảo: Thuý Kiều (như là cái gì cá biệt) là bản thể, còn "sắc sảo, khôn ngoan, vô duyên..." là những tuỳ thể (accidents, từ nghĩa gốc là ngẫu nhiên, tình cờ). Nhưng câu (2) thì khác, con người không thể lúc thì có "thịt da", lúc thì không. Vậy nó nói lên con người là gì. Cái không thể thay đổi ấy được gọi là những thuộc tính. Thuộc tính thì tất nhiên không tồn tại độc lập, nhưng những thuộc tính nào thuộc về bản chất của sự vật thì cũng là bản thể, thậm chí còn là bản thể theo nghĩa cao hơn cả những sự vật cá biệt. Vậy, theo Aristoteles, ta có hai loại bản thể: cái cá biệt (Thuý Kiều) và cái phổ biến ("thịt da", "người"...) Ông gọi cái trước là bản thể số một, cái sau là bản thể số hai. Tưởng xong, nhưng rồi lại thấy không ổn! Việc phân biệt ấy chẳng rõ ràng chút nào. Khi Thuý Kiều khen Từ Hải: "Rằng: Từ là đấng anh hùng!", thì nếu rút bỏ thuộc tính "anh hùng" đi, có còn là Từ Hải hay chỉ là một người trùng tên?

Platon, thầy của Aristoteles, làm ngược lại; ông chỉ quan tâm đến một phương diện thôi. Chỉ có cái phổ biến ("người", "thịt da", "sắc sảo", "khôn ngoan"...) mới là những cái duy nhất có thật. Ông là tổ sư của thuyết duy tâm khách quan, vì theo ông, những cái phổ biến ấy là thuần tuý, hoàn hảo, mẫu mực chứ không nhếch nhác khi trở thành những thuộc tính ở trần gian, vì thế, chúng ở một thế giới khác, trong khi những sự vật cá biệt trên thế gian này chỉ là những bản sao tồi tàn, mờ nhạt của chúng".

Tập sách này chi làm bốn phần: Đường vào triết học, Khoa học và giáo dục, Con người tự nhiên văn hóa, Kỹ thuật và công nghệ. Có thể ghi nhận đây là tập sách thú vị và cần thiết cho nhiều người. Đặc biệt cách trình bày với "điểm nhấn" là các câu danh ngôn trình bày xen kẽ trong tập sách, ta có thể đọc bất chợt nhiều câu rất hay. Chẳng hạn: "Văn hóa là đi chứ không phải là tới, là con thuyền chứ không phải bến cảng" (A.Toynbee, 1889 - 1975) v.v... 

B.C

Ở nơi chợ búa ồn ã bán mua, nơi chợ đời bụi bặm, triết học héo lánh tới làm gì, có héo lánh tới nổi không? Hẳn nhiều người đã không khỏi ái ngại, đặt ra câu hỏi ấy khi thấy trên tờ Sài Gòn Tiếp Thị - mà như tên gọi của nó, là cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, nơi tiếp cận thị trường của doanh nghiệp, nói cách khác là một thứ chợ - xuất hiện một chuyên mục gọi là Trò chuyện triết học. Với nhiều người, triết học là cái gì đó cao siêu, xa vời, chỉ có thể "kính nhi viễn chi" chứ chẳng ăn nhập gì với cuộc sống trần trụi, với thời buổi mà con người phải lặn hụp mệt nhoài trong cuộc mưu sinh, phải nhanh mắt nhanh tay chụp giựt cho mình những thứ có thể chụp giựt được, phải đối diện với bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu thách thức của cuộc sống trước mặt. Nói tóm lại, triết học là cái gì đó vô bổ, chỉ để dành cho những kẻ "rỗi hơi".

Ấy thế mà "ngạc nhiên chưa"!? Kể từ bài đầu tiên xuất hiện vào ngày 26.5.2010 trên Sài Gòn Tiếp Thị đến bài cuối cùng được tập hợp trong Trò chuyện triết học này, xuất hiện trên báo vào ngày 16.4.2012, qua gần hai năm với 92 bài báo của tác giả Bùi Văn Nam Sơn, chuyên mục đã được đông đảo bạn đọc đón nhận như một món ăn tinh thần khó thể bỏ qua khi cầm tờ Sài Gòn Tiếp Thị mỗi thứ tư hàng tuần. Nhiều bạn đọc, thuộc nhiều môi trường nghề nghiệp, bối cảnh xã hội, lứa tuổi khác nhau, đã phản hồi đầy hứng khởi như được thoả mãn một nhu cầu, một khao khát từ lâu không được đáp ứng, dù không phải lúc nào họ cũng đồng ý hoàn toàn với tác giả. Những tưởng trong thời buổi hội nhập, toàn cầu hoá và cạnh tranh kinh tế khốc liệt, triết học chẳng thể nào có chỗ đứng, nhưng hoá ra những câu hỏi muôn thuở về nhân sinh, về thế giới, đặt trong bối cảnh hôm nay, vẫn luôn thôi thúc người ta đi tìm câu trả lời.

Và thế là, như một người bạn đồng hành, như một người trò chuyện thủ thỉ, qua 92 kỳ báo, tác giả đã từng bước, từng bước dẫn dắt người đọc đi vào triết học, làm quen với những khái niệm cơ bản của triết học, với những triết gia và những giai đoạn quan trọng của lịch sử triết học, lịch sử tư tưởng của nhân loại. Rồi từ những khái niệm cơ bản của triết học, tác giả dần dần giúp ta tiếp cận dưới giác độ triết học với những vấn đề cụ thể hơn của đời sống, của nhân sinh, như những vấn đề về con người, về tự nhiên và văn hoá; những vấn đề khoa học và giáo dục vừa sát sườn với cuộc sống hôm nay lại vừa có mối liên hệ sâu xa với những câu hỏi muôn thuở của con người.

Và cũng thật lạ lùng, như thấy trước được logic phát triển của sự vật thông qua các hiện tượng trước mắt, cả năm rưỡi trời trước khi xảy ra vụ cưỡng chế đất đai vừa trái pháp luật, vừa trái đạo lý của chính quyền Tiên Lãng, Hải Phòng khiến dư luận cả nước phẫn nộ, trong mấy câu mở đầu cho bài mở đầu của chuyên mục, tựa đề: Tư tưởng đổi thay số phận, bàn về "công dụng" của triết học, tác giả đã viết: "Giải quyết việc lương bổng hay... đền bù giải toả, chẳng lẽ người ta không một phút thoáng nghĩ đến khái niệm "công bằng"? Quả đúng vậy, nếu có một chút tư duy về sự công bằng, nếu được hướng dẫn bởi chút ít tư duy triết học về Nhà nước, có lẽ những người ra quyết định thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng đã không hành xử như họ đã hành xử.

Như một người bạn đồng hành, như một người trò chuyện thủ thỉ, qua 92 kỳ báo, tác giả đã từng bước, từng bước dẫn dắt người đọc đi vào triết học, làm quen với những khái niệm cơ bản của triết học, với những triết gia và những giai đoạn quan trọng của lịch sử triết học, lịch sử tư tưởng của nhân loại.

Vậy, triết học có "công dụng" đấy chứ! Tuy nhiên, đó không phải là thứ "công dụng" trước mắt, công dụng "mì ăn liền". Như tác giả viết, triết học không phải là công cụ, không phải là phương pháp, "ta không đến với triết học để tìm ra những giải pháp nhanh chóng, nhất thời mà để phát hiện những con đường xưa nay chưa biết để đi đến giải pháp". Nói cách khác, nó như một ngọn đèn, một tia sáng soi đường, giúp ta "hiểu hậu cảnh; quyết định có cơ sở; hành động có trách nhiệm; hoạt động có hiệu quả; truyền thông rõ ràng, sống thanh thản, hạnh phúc".

Trong ý hướng đó, Sài Gòn Tiếp Thị và công ty sách Thời Đại trân trọng giới thiệu với bạn đọc Trò chuyện triết học của nhà nghiên cứu triết học, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn. Hy vọng cuốn sách giúp thoả mãn phần nào một nhu cầu không thể thiếu, dù đôi khi tiềm ẩn, của người đọc.

ĐOÀN KHẮC XUYÊN

Xem thêm
Thông tin tác giả
Thông tin chi tiết
Tác giả Bùi Văn Nam Sơn
Nhà xuất bản NXB Tri thức
Nhà phát hành Thời Đại
Giá bìa 125.000 vnđ
Khối lượng 440.00 gam
Ngôn Ngữ Tiếng Việt
Kích thước 13.5 x 20.5 cm
Ngày phát hành 02/08/2019
Số trang 448
Cuoc-thi-review-sach-topsach.vn
Nhận xét từ bạn đọc
Đánh giá trung bình
4.5/5
star star star star star>
0 vote
GỬI NHẬN XÉT CỦA BẠN
  • Đánh giá của bạn về sản phẩm này:
  • Tiêu đề của nhận xét
Đăng nhập để nhận xét