Những Ngã Tư Và Những Cột Đèn
Click để xem bìa sau

Những Ngã Tư Và Những Cột Đèn

Tác giả: Trần Dần
Những Ngã Tư Và Những Cột Đèn Lượt xem: 175 người
Sách Văn học Trong Nước, Tiểu thuyết việt nam
Những Ngã Tư Và Những Cột Đèn 0 Vote

Những Ngã Tư Và Những Cột Đèn

Tôi qua ngã tư Cửa Nam. Ngã tư Cửa Nam đầy khói. Để không thể đếm bao nhiêu nốt chân trên ngã tư. Ai đếm bao nhiêu nốt chân khôn dại. Bao nhiêu nốt chân vui buồn? Ai đếm những ngã tư đời láo nháo nốt chân. Láo nháo cột đèn láo nháo đèn? Đời tôi đã rẽ rồi. Như đã hạ nước cờ không sao đi lại được. Nhưng tại sao tôi cứ ám ảnh: cái ngã tư tại sao ấy. Tôi quên không được. Đi đi không được. Tôi ngồi bệt lề đường. Tôi là đàn ông: tôi không đau khổ. Nhưng tôi muốn khóc. Tôi là đàn ông: Tôi không khóc. Nhưng tôi đau khổ lắm. Tôi ngồi bệt mà nhìn láo nháo cột đèn. Láo nháo khói. Láo nháo hàng cây bên đường lá rụng. Tôi nghe gà gáy te te nội thành. Chỗ tôi ngồi không xa có vườn hoa Canh Nông. Tôi lảo đảo dậy: tôi đi tìm vườn hoa Canh Nông. Tôi vào vườn hoa. Tôi ngồi ghế đá. Ghế đá lạnh. Gà gáy te te. Phố bắt đầu mất khói. Vườn hoa cũng bắt đầu hết khói. Là rạng đông rồi. Tôi không mệt. Buồn ngủ cũng không. Tôi đã nói rồi: tôi đi thấu sáng. Bây giờ tôi ngồi. Cùng với rạng đông. Trong một vườn hoa.

Mời bạn đón đọc.

Nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân chia sẻ với Tuổi Trẻ như thế sau một đêm thức đọc trọn cuốn Những ngã tư và những cột đèn (Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn) - tiểu thuyết vừa được xuất bản của Trần Dần, 45 năm sau khi nhà văn sáng tác và 20 năm sau khi ông mất.

* Thưa ông, có thể coi đây là cuốn tiểu thuyết trinh thám của nhà - cách - tân - thơ Trần Dần được không?

- Tôi chỉ xét đơn thuần về mặt tác phẩm, đây có thể coi là một cuốn tiểu thuyết trinh thám viết rất chuyên nghiệp, rất hấp dẫn với bạn đọc bình thường. Các tuyến nhân vật được cài cắm rất lớp lang và tâm lý nhân vật, đặc biệt tâm lý tội phạm, được nghiên cứu và trình bày rất khéo, đúng kiểu tâm lý học hiện đại mà các tiểu thuyết trinh thám phương Tây vẫn hay dùng. Có thể đọc một mạch từ đầu đến cuối cuốn tiểu thuyết này vì sự hấp dẫn đó của nó.

* Ðó là chất trinh thám và chất hiện đại. Còn "chất Trần Dần" ở đâu trong cuốn tiểu thuyết này?

- Ở toàn bộ cuốn tiểu thuyết. Dù trinh thám, nó vẫn là một cuốn tiểu thuyết tâm lý với đầy đủ bản lĩnh cách tân và bút pháp siêu việt của Trần Dần. Ngay từ thời điểm ông đặt bút viết vào năm 1966, ông đã dùng kỹ thuật tự sự đa chủ thể (nhiều nhân vật cùng kể chuyện) - một kỹ thuật rất tiên tiến của văn chương thế giới cùng thời, mà chúng tôi - lúc đó đang ngồi trên ghế giảng đường đại học - chưa hề được nghe các giáo sư nhắc tới, mãi đến năm 1980 mới được biết đến qua các bản dịch tiếng Nga.

Người đọc nắm bắt câu chuyện rất thoải mái dù nó không đơn giản. Ðó là vì nhà văn luôn chuyển vai kể vào thời điểm chính xác và bằng ngôn ngữ nhân vật rất đặc trưng cho từng cá tính. Có những khi nhà văn sử dụng ngôn ngữ điêu luyện đến độ tôi chỉ có thể thán phục một cách sung sướng vì được thưởng thức kỹ thuật của một bậc thầy: đó là đoạn Dưỡng đến nhà mẹ xin đón vợ về sau khi bị cô vợ giận dỗi bỏ đi. Bà mẹ cứ chửi sa sả, vừa nghiệt vừa chứa chan yêu thương; còn thằng con trời đánh cứ tưng tửng chửi phụ với mẹ, mà nó tự chửi nó, cứ như là một ai đó đang nói về một thằng nào khác nữa, chứ không phải vẫn thằng con trai ấy đang nói về chính nó. Ngôn ngữ ở đây ra hết chất của "cao bồi thành thị" mà nhà văn Việt Nam ta ít có người am hiểu và viết kỹ như Trần Dần.

* Ông còn nhận ra nhiều dấu ấn của nhà thơ Trần Dần mà mình ngưỡng mộ trong cuốn tiểu thuyết trinh thám này nữa không?

- Nhiều lắm. Trong tất cả những pha trữ tình ngoại đề, những trường đoạn miêu tả tâm lý nhân vật. Những trang đằng đẵng không xuống dòng. Những triết lý về cuộc đời, về tình yêu, về chiến tranh, về thân phận con người. Có quá nhiều câu văn được dụng công và đẽo tạc đẹp như thơ mà tôi muốn trích dẫn, nhưng không thể, vì dẫn câu nọ thì không công bằng với câu kia.

Nhưng "Trần Dần" nhất, "thơ" nhất vẫn là khi ông đặc tả sự phân thân của nhân vật xưng tôi nhiều nhất trong tiểu thuyết: Dưỡng xưng tôi trong nhật ký để thuật lại sự giằng xé giữa trí tuệ của "Sọ" với tình cảm của "Bóng" trong con người anh ta. Kỹ thuật tự sự đa chủ thể của Trần Dần 45 năm trước đã "cao thủ" đến độ ông điều khiển cả một dàn nhân vật đầy cá tính không ai lẫn vào ai, và đạo diễn cuộc phân thân cam go của Tôi, Sọ và Bóng một cách ngoạn mục đến độ người đọc không nhận thấy mình đang bị dẫn. Người đọc vẫn cứ nghĩ mình đang trôi trên màn sương mờ ảo của thế giới ngôn ngữ đầy những hình tượng thơ của Trần Dần. Tôi thích cả cái tên Những ngã tư và những cột đèn. Nó đầy tính biểu tượng.

* Với tư cách một nhà nghiên cứu lịch sử văn học, ông có tin Những ngã tư và những cột đèn sẽ được đánh giá cao trong văn học VN hiện đại?

- Tôi tin điều đó, vì tầm vóc tư tưởng, những cách tân nghệ thuật và kỹ thuật ngôn ngữ đi trước thời đại rất xa của Trần Dần thể hiện trong tất cả những sáng tác của ông.

THU HÀ thực hiện

Được biết, đã có 2 cụm tác phẩm thuộc thể loại phê bình lọt vào vòng chung khảo năm nay. Trong 2 năm gần đây, Hội Nhà văn Hà Nội đều chỉ chọn được 3/4 chuyên ngành để trao giải (năm 2010 thiếu giải phê bình và năm 2009 thiếu giải thơ).

Trong số các tác phẩm được giải, Những ngã tư và những cột đèn là cuốn sách ra mắt trước nhất và sớm gây dư luận từ đầu năm. Đây là cuốn tiểu thuyết được cố nhà văn Trần Dần hoàn thành vào năm 1966, sau đó được in vào năm 2011 bởi Công ty Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn VN. Mang phong cách trinh thám nhưng lại đậm chất hiện đại trong việc khắc họa tâm lý, cuốn sách kể về một đoạn đời ngắn nhưng rất nhiều bước ngoặt, nhiều cạm bẫy, hiểm nguy, trăn trở, vật vã của Dưỡng - một chàng trai Hà Nội mê trinh thám nhưng do hoàn cảnh xô đẩy đã bị buộc trở thành ngụy binh chỉ ít ngày trước giải phóng. Cách mạng về, anh chàng hoang mang, sợ bị bắt. Cùng lúc đó, một vài tên gián điệp được Pháp cài lại ở miền Bắc đã khủng bố tinh thần Dưỡng và các bạn, rồi tìm cách thủ tiêu họ để bịt đầu mối về danh sách điệp viên được cài cắm ở miền Bắc trước khi xuống tàu vào Nam...

Hai tác giả còn lại cũng là những trường hợp rất độc đáo. Nếu tác giả Trương Đăng Dung (giành giải thơ) trước đây chủ yếu được biết tới với việc nghiên cứu văn học thì nữ dịch giả Thụy Anh (giải dịch thuật) lại mới trở về Việt Nam được vài năm sau một thời gian rất dài sống tại Nga. Olga Berggolts của tôi là tập thơ tuyển dịch những tác phẩm của nhà thơ Nga Olga Berggolts, được chị thực hiện trong 3 năm.

Cúc Đường

Xem thêm
Thông tin tác giả
Thông tin chi tiết
Tác giả Trần Dần
Nhà xuất bản Nxb Hội Nhà Văn
Nhà phát hành Nhã Nam
Giá bìa 125.000 vnđ
Khối lượng 440.00 gam
Ngôn Ngữ Tiếng Việt
Kích thước 14 x 20.5 cm
Ngày phát hành 02/08/2019
Số trang 344
Cuoc-thi-review-sach-topsach.vn
Nhận xét từ bạn đọc
Đánh giá trung bình
4.5/5
star star star star star>
0 vote
GỬI NHẬN XÉT CỦA BẠN
  • Đánh giá của bạn về sản phẩm này:
  • Tiêu đề của nhận xét
Đăng nhập để nhận xét