Hoài Niệm Và Mộng Du
Click để xem bìa sau

Hoài Niệm Và Mộng Du

Hoài Niệm Và Mộng Du Lượt xem: 454 người
Sách Văn học Trong Nước, Truyện hồi ký Việt nam
Hoài Niệm Và Mộng Du 0 Vote

Sau tập hồi kí Tầm xuân, với PGS.TS Đặng Anh Đào – con gái của GS. Đặng Thai Mai, đó là cái quá khứ, mà “khi đi qua đó, ta chỉ thấy những gì trẻ trung, sống động, có thể đau buồn, nhưng không có sự câm lặng và chết chóc. Dù cho tất cả những gì thuộc về quá khứ của tôi có tầm thường, dù cho tôi chỉ là một nhân chứng nhỏ bé với tầm nhìn hạn chế đi chăng nữa…”, hơn mười năm sau, bà lại tiếp tục mạch hồi ức đó trong một cuốn hồi kí mới với một tinh thần mới mang tên: Hoài niệm và mộng du.

Cuốn hồi kí gồm có bảy phần là hành trình từ những kí ức tuổi thơ Mùa hè - Biển thứ nhất của đời tôi, Từ mùa đông đến mùa thu, Người ra đi đầu không ngoảnh lại, tiếp tục với Đường tản cư qua bao suối lạ sông ngàn, Đường vô xứ Nghệ quanh quanh cho đến khi Hòa bình trở lại và đoạn Vỹ thanh – chu kì của đời người. Khi viết những dòng hoài niệm này, tác giả “đã đến mùa đông của cuộc đời, nhưng lòng tôi vẫn không thể nguội lạnh, thoát khỏi cõi phù vân. Hỉ, nộ, ái, ố – tấn trò đời vẫn cứ tiếp tục. Những người bạn cũ và bao người thân yêu đã đi vào cõi hư vô. Nhưng tôi vẫn còn niềm vui chia sẻ với con cháu, học trò bao thế hệ, những lo lắng vì bệnh tật, những hi vọng ngắn ngủi, những hồi ức vui buồn… Đời tôi giờ chỉ còn là một cuộc mộng du.”

Những dòng kí ức tuổi thơ trở đi trở lại với các ngôi nhà ở Hà Nội và Sầm Sơn mà Đặng Anh Đào chẳng thể quên được vì “với tôi, gia đình là mái ấm của nơi sum họp”. Tuổi thơ của cô bé Đặng Anh Đào đầy ắp những món ăn ngon như “cần già, củ kiệu, mẹ muối theo kiểu dân làng Ngò. Rau cần già chỉ hớt bớt lá, và kiệu muối cả thân lẫn rễ, rất giòn và ngon. Cần non thì nấu canh cà chua, cũng cây nhà lá vườn nấu với nước sông Chu”, “mẹ mua một rổ cá trích đang còn nhảy ton tót, cho vào nồi đất, đun nước sôi ngay trên kiềng bếp của nhà chài. Chỉ có thế, chấm nước mắm chanh, ăn với cơm. Những vệt tròn vàng mỡ cá nổi trên mặt nước đun cá, rưới vào cơm, thật tuyệt! Thanh đạm, bữa cơm của mẹ, dù sau này con có được ăn sơn hào hải vị, chẳng có bữa nào ngon như cơm của mẹ”. Đó là hình ảnh người cha – GS Đặng Thai Mai tận tụy với công việc, mà cũng rất tình cảm với các con. Đó là chị Đặng Bích Hà vui tính, sôi nổi; chị Đặng Thị Hạnh tính tình dịu dàng, hay chăm nom các em; em Đặng Xuyến Như xinh xắn, trong trẻo; và chị Đặng Thanh Lê là người gần gũi, thân thiết nhất với Đặng Anh Đào.

Hình ảnh cô bé đanh đá, nghịch ngợm, hồn nhiên vào giây phút cầm tờ báo lên xem thấy Cách mạng thành công rồi nhưng lại thất vọng vì “Hồ Chí Minh có râu, khác với hình dung lãnh tụ phải trẻ và đẹp, có gương mặt u uất của tráng sĩ “một ra đi không trở lại”; rồi lúc học ở đội Nhi đồng cứu quốc, hát hay nhưng mọi người cứ chỉ trỏ và khi rời khán đài, mới biết quên kéo phécmơtuya trước bụng và là người đạt giải cao trong cuộc thi vẽ được phóng to và cầm đi diễu hành tới Nhà Hát Lớn, được gặp Bác Hồ nhiều lần song không tài nào vẽ nổi Bác Hồ, chắc chắn khiến bạn đọc bật cười khúc khích. Cô bé hiếu động đó đã tự tìm cách khôn lớn khi mà “chẳng có thày, nhưng mê truyện, tôi mò mẫm đọc từ quyển dễ đến quyển khó. Vậy tôi là học trò, kho sách ấy là thày dạy tiếng Pháp cho tôi. Cho đến lúc trưởng thành, tôi có thể đọc và viết tàm tạm, phát âm chuẩn là nhờ nghe được ba tôi trò chuyện với các chị hoặc khách khứa.”

Trên đường tản cư qua bao suối lạ sông ngàn lên chiến khu Việt Bắc, cô bé Đặng Anh Đào được biết gia đình GS Nguyễn Xiển với bà Nguyễn Xiển tính tình xởi lởi, với những bát chè bột sắn trong vắt thơm mùi đường mía, trong đó có những lát sắn thái mỏng, những khúc mía chẻ sẵn ướp hoa bưởi; lên An toàn khu gặp gia đình luật sư Phan Anh, bác sĩ Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, trở lại Thanh Hóa, Nghệ An với những mối tình cảm lứa đôi đầu đời trong trẻo nơi mà “tôi đã nói những lời từ biệt, vì chị cả tôi đã khuyên rằng đang tuổi học trò, cần tập trung vào chuyện học hành”.

Nổi bật trên dòng hồi ức tuôn trào này là những mạch ngầm của tình cảm sâu nặng mà Đặng Anh Đào dành cho người chồng của mình – Trung tướng Phạm Hồng Sơn- mà như bà cảm nhận là “một con người suốt ngày hoạt động không biết mệt và tràn đầy sinh lực”. Bà nhớ lại những ngày chân chồng mình đang bị bó bột nhưng ông vẫn đập vỡ bột để tập trung chỉ huy, những ngày lao động ở công trường, ông thức trắng đêm, và tình cảm của những anh em bạn bè chiến hữu thân thiết dành cho trung tướng ông mà bà cho rằng chỉ vào sinh ra tử cùng nhau mới có được tình cảm keo sơn gắn bó đến dường ấy. Vào những năm tháng cuối cuộc đời, khi bị mắc bệnh quên rất nặng, quên cả đường gần nhà, nhưng khi dẫn ông đi tản bộ, lúc nào ông cũng hướng tới Viện bảo tàng quân đội. Đó là nơi ông ngồi lâu nhất, bởi có lẽ “tình cảm với quân đội đã hằn trong vô thức anh”. Giây phút ông sắp lìa bỏ cõi tạm, ông chỉ đòi về nhà thật sự khiến bất cứ ai đọc cũng không ngăn được những giọt nước mắt.

Cuốn hồi kí khép lại với những chiêm nghiệm về đời người của một người phụ nữ thông minh, sắc sảo, hài hước và đã trải qua cuộc đời phong phú, nhiều biến động. Thời gian vật chất của Đặng Anh Đào lúc này chỉ còn lại những cuộc mộng du về quá khứ, nếu nằm mơ về những người đã mất thì bà cũng chỉ thấy hình ảnh của họ lúc còn trẻ. Đã đến tuổi bát tuần, nhưng bà vẫn giữ sở thích hồi còn nhỏ, thích đi ra biển và chiêm nghiệm: “Lớp sóng này vào vỗ bờ, rút ra khơi, lại lớp sóng khác, bao giờ cũng mới và tinh khôi. Cuối cùng, là con người, từ cát bụi người sẽ trở về cát bụi. Xuân, hạ, thu, đông, một chu kỳ khép kín. Ta sẽ được là cát ngoài biển khơi, trong hằng hà sa số hạt cát long lanh, dưới những rạn san hô đỏ như phản chiếu ánh bình minh…”

Hoài niệm và mộng du được Đặng Anh Đào viết bằng lối văn phong hóm hỉnh, duyên dáng và thật sự trong trẻo. Tác giả cứ xưng “tôi” mà dẫn dắt người đọc trải qua từng chặng đường đời của mình với nhiều bất ngờ và thú vị. Đây không chỉ đơn giản là một cuốn hồi kí mà chắc hẳn nó là cuốn tư liệu văn hóa hấp dẫn với tất cả các bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tuổi để nhìn lại một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước thông qua cuộc đời cụ thể của một người phụ nữ điềm đạm, thông minh và rất mực nhân hậu.

Xem thêm
Thông tin tác giả
Thông tin chi tiết
Tác giả Đặng Anh Đào
Nhà xuất bản NXB Phụ Nữ
Nhà phát hành NXB Phụ Nữ-nxb
Giá bìa 125.000 vnđ
Khối lượng 286.00 gam
Ngôn Ngữ Tiếng Việt
Kích thước 13.5 x 20.5 cm
Ngày phát hành 02/08/2019
Số trang 236
Cuoc-thi-review-sach-topsach.vn
Nhận xét từ bạn đọc
Đánh giá trung bình
4.5/5
star star star star star>
0 vote
GỬI NHẬN XÉT CỦA BẠN
  • Đánh giá của bạn về sản phẩm này:
  • Tiêu đề của nhận xét
Đăng nhập để nhận xét