Địa Chí Tôn Giáo Lễ Hội Việt Nam
Hàng trăm bia đá ở các đền, đình Việt Nam được mở đầu bằng một lời nhắn nhủ: “Nước có Tổ, Tổ phải có chỗ thờ”, “Làng có Thần, Thần cần có chỗ ngự”. Đó là một lời khẳng định giá trị tinh thần của các lễ hội, các nơi chốn sinh hoạt tín ngưỡng - tôn giáo, đã nảy nở và tồn tại lâu đời ở Việt Nam, nằm rải rác ở trên khắp các vùng, miền.
Dưới độ góc văn hoá, các lễ hội và đời sống tâm linh ở Việt Nam lâu nay đã có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng đạo đức xã hội, làm cho con người Việt Nam sống lành và thiện hơn, thêm thương yêu đồng bào, đồng hương, thêm quý trọng quê hương xứ sở, đem lại những giờ phút thanh lành, nhẹ nhõm, góp thêm cho đời những sinh hoạt giải trí, vui chơi với đủ chiều sâu tâm linh cùng tinh thần cộng cảm là con cháu một tổ Hùng, một đất Việt.
Dĩ nhiên, trong guồng quay tất yếu của đời người ngày nay và trong những năm tháng sắp tới, những gì là mê tín, là lạc hậu còn sót lại của một thời đã qua, sẽ lần lượt gạt bỏ, để đời sống tinh thần ngày càng thêm trong sáng, con người ngày càng thêm văn minh.
Cuốn Địa Chí Tôn Giáo Lễ Hội Việt Nam là một công trình sưu tập đầy tâm huyết của một người nghiên cứu lâu năm về tôn giáo và tính ngưỡng, đã từng qua nhiều năm làm công tác quản lý tôn giáo trên cương vị Phó Trưởng ban Tôn Giáo Chính Phủ; cuốn sách sẽ giúp bạn đọc hiểu biết thêm những nơi chốn tâm linh lễ hội thờ cúng, cầu nguyện trên khắp lãnh thổ Việt Nam.
Từ trước đến nay, chúng ta đã có không ít sách báo viết về các nơi chốn tâm linh-lễ hội, thờ cúng, cầu nguyện trong nước, nhưng phần lớn đều đứng trên độ góc tiếp cận nghệ thuật tạo hình, kiến trúc hoặc du lịch. Vì vậy, không chỉ những người có niềm tin siêu nhiên, mà các nhà nghiên cứu lịch sử, xã hội học, tôn giáo, các nhà văn hoá, và nói chung những ai quan tâm đến “đời sống tâm linh” đều muốn có một cuốn sách viết dưới độ góc của xã hội tôn giáo, tập hợp địa chí lễ hội, nơi thờ cúng cùng các điểm mở tế lễ định kỳ và không định kỳ, ở khắp trong nước.
Xã hội học tôn giáo (sociologie religieuse) là một ngành trong bộ môn tôn giáo học, nó nghiên cứu quá trình phát triển của tôn giáo, bản chất, vai trò và vị trí của tôn giáo trong xã hội. Trong xã hội tôn giáo, có thể dùng nhiều hướng tiếp cận khác nhau, như tiếp cận hình thái học (approche morrphologique), tiếp cận loại hình học (approche génétique). Nhờ đó, xã hội học tôn giáo dần dần tìm được cách thống nhất trở lại cái mà lẽ thường vốn hay chia tách ra: đó là sự xuất hiện các tín ngưỡng, tôn giáo và các công trình kiến trúc thờ cúng, lễ bái, nguyện cầu,… rồi có thể dần dần tìm thấy nét chung trong các tôn giáo, sự xung đột bên trong và nhân vật trung tâm của các tôn giáo, để thấy những người sáng tạo ra tôn giáo không phải là cỗ máy tự động, mà là đấng sáng tạo không do ai sáng tạo ra cả (créateurs religieux incrées).
Ngôn ngữ học cấu trúc (linguistique structurale) cũng ngày càng thịnh hành và phát huy ứng dụng của nó trong phân tích nội dung các ngôn từ tôn giáo, nhất là trong các lý lẽ “thần thánh học”, trong các luận điểm và các cách lập luận trong thần thoại, trong truyền thuyết,… góp phần đi tới những hình ảnh xác thực về môn xã hội học tôn giáo này.
Từ trong thành tựu của xã hội học tôn giáo, cuốn sách này sẽ giới thiệu các cơ sở, nơi chốn lễ hội, hoạt động tôn giáo, các địa danh thờ lạy, lễ bái, cầu cúng, nguyện ngắm, … trên góc độ của lịch sử mối quan hệ với đời sống xã hội, từ đó thấy được các mặt tích cực và tiêu cực của thờ cúng, lễ bái, cầu nguyện,…
Tôn giáo, tín ngưỡng và các niềm tin siêu nhiên là những lĩnh vực không dễ có thể tìm được sự đồng thuận về nguồn gốc, hiện tại cũng như tương lai… Thậm chí, ngay cả số liệu cụ thể hằng ngày cũng không phải là dễ tìm thấy, nên đôi khi cũng đành phải dừng lại ở những tư liệu gọi là “bước đầu”, như theo số liệu năm 2001 của Ban Tôn giáo của Chính phủ* thì sáu tôn giáo lớn ở Việt Nam có 18.358.345 tín đồ, giữ tỷ lệ 19,4% trong tổng dân số. Số tín đồ (gồm cả giáo sĩ và chức sắc) của từng tôn giáo như sau: Phật giáo: 9.038.064 người; Công giáo: 5.324.492 người; Cao Đài: 2.276.978 người; Phật giáo Hoà Hảo: 1.232.572 người; Tin Lành miền Nam: 414.915 người; đạo I-xlam (Hồi) các dạng: 64.991 người; Tin Lành miền Bắc: 6.333 người. Cũng theo số liệu bước đầu của Ban Tôn giáo của Chính phủ, hiện nay nước ta có 22.195 cơ sở thờ tự của các tôn giáo, trong đó Phật giáo có 14.043 cơ sở; Công giáo có 6.003; Cao Đài có 1284; Phật giáo Hoà Hảo có 522; Tin Lành cả bắc và nam: có 266; đạo I-xlam có 77 cơ sở. Cả nước ta hiện có 8294 lễ hội lớn nhỏ, trong đó lớn nhất được coi là Giỗ tổ Hùng vương trên quy mô quốc gia.; thêm vào đó, còn có khoảng 40 000 địa điểm lễ hội, tín ngưỡng dân gian (không tính đến gốc đa, nhà mồ, bàn thiên,…). Đó là còn chưa kể đến đời sống tâm linh, hội lễ và tín ngưỡng dân gian (không tín đến gốc đa, nhà mồ, bàn thiên, …). Đó là còn chưa kể đến đời sống tâm linh, hội lễ và tín ngưỡng của từng cộng đồng trong 53 dân tộc anh em (gồm 10.527.718 người, chiếm 13.8% trong tổng số dân Việt Nam), như hội Lồng Tồng của dân tộc Tày-Nùng, lễ hội Ka-tê của dân tộc Chăm, lễ hội Chol Chnam Thmây của người Khơ-me, v.v..; tuy không có “cơ sở” cố định, vì vậy cuốn sách này cũng cần dành một số mục từ để giới thiệu tóm tắt vài nét sơ lược của đời sống tâm linh đặc sắc này.
Đời sống tâm linh nói chung, sinh hoạt tôn giáo - tín ngưỡng nói riêng, là những hiện tượng xã hội hết sức nhạy cảm và phức tạp, với những chặng đường phát triển uốn khúc, luxcs thịnh, lúc suy; nó vừa thực, vừa ảo, có mặt gắn với đời sống nhưng lại giữ diện mạo thần bí, không phải lúc nào và ai ai cũng nắm bắt được bản chất một cách chắc chắn. Thế nhưng, do ý muốn phục vụ được đông đảo độc giả thuộc nhiều tầng lớp, nhiều niềm tin khác nhau, chúng tôi cố gắng trình bày các vấn đề một cách đơn giản rõ ràng và dễ hiểu, đôi khi vẫn để nguyên những thần tích, thám tích mà căn cứ, gốc rễ còn rất đỗi mơ hồ, mặc dầu muốn thật chuẩn xác, vì tôn giáo cần phải được nghiên cứu và trình bày một cách toàn diện, cụ thể, biện chứng trên nền tảng tri thức triết học và lịch sử nhất định.
Mời bạn đón đọc.
Xem thêm
Tác giả | Mai Thanh Hải |
---|---|
Nhà xuất bản | Nxb Văn hóa Thông tin |
Nhà phát hành | Thăng Long |
Giá bìa | 125.000 vnđ |
Khối lượng | 990.00 gam |
Ngôn Ngữ | Tiếng Việt |
Kích thước | 14.5x20.5 cm |
Ngày phát hành | 02/08/2019 |
Số trang | 852 |
- Đánh giá của bạn về sản phẩm này:
- Tiêu đề của nhận xét