Thủy Hử là một trong Tứ đại danh tác của nền văn học cổ điển Trung Quốc. Qua giọng văn sống động của tác phẩm, một trăm linh tám anh hùng Lương Sơn mỗi người một vẻ, một xuất thân, một tính cách, một cuộc đời hiện lên qua từng trang sách. Trong quá trình tụ nghĩa Lương Sơn, họ gặp quan tham thì chống, gặp ác bá thì trừng, đặt chữ “nghĩa” làm phương châm hành động. Lối hành động không câu nệ và tính cách hào sảng ấy nơi các nhân vật đã quyện xoắn những mẩu chuyện rời thành một thế giới võ lâm thu nhỏ, tạo cảm giác sảng khoái trong từng câu chữ.
Trải qua sáu trăm năm thăng trầm của lịch sử, nhiều triều đại bị thay thế, nhiều biến cố đã xảy ra, biết bao vật đổi sao dời… Nhưng Thủy Hử của Thi Nại Am vẫn đi vào lòng người của biết bao thế hệ độc giả đến từ khắp nơi trên thế giới. Câu chuyện về 108 người anh hùng nơi bến nước cùng tụ tập vì đại nghĩa, cùng quyết chí bền gan làm nên sự nghiệp lớn đã truyền cảm hứng cho rất nhiều loại hình nghệ thuật khác làm nên những tác phẩm để đời.
“Văn chương Thủy Hử không “dệt gấm thêu hoa” như Tây Sương Ký, không “nhả ngọc phun châu” như Hồng Lâu Mộng mà là “nhạc trỗi chuông ngân”, hùng hồn, dồn dập. Văn chương Thủy Hử thì vẫn gần gũi với truyện kể dân gian. Tác phẩm Thủy Hử giữ được tính sống động của nhân vật trong ngôn ngữ gần gũi với đời sống hằng ngày, trong lối hành văn ít trang sức tô điểm.” - Giáo sư Lương Duy Thứ.
Bộ Thủy hử liên hoàn họa in khổ lớn, hai tranh mỗi trang, dùng giấy Kraft vàng. Một bộ 26 tập nét vẽ say đắm, bản đặc biệt đóng hộp gỗ, bản phổ thông đóng hộp giấy. Mỗi bộ sách là một món quà cho bất kỳ ai lưu lạc tìm đường nơi cõi đời.
Về thể liên hoàn họa
Truyện tranh cổ Trung Quốc liên hoàn họa là một loại hình kể chuyện theo tranh vẽ đặc trưng của Trung Quốc. Các câu truyện mang tính lịch sử, thần thánh được thể hiện theo lối tranh liên hoàn giúp người đọc phần nào mường tượng được về cốt cách nhân vật, khung cảnh xã hội, thiên nhiên và con người trong những giai đoạn của lịch sử Trung Quốc. Các bộ truyện tranh liên hoàn được vẽ trong những năm 50 của thế kỷ XX đã thể hiện được bản sắc riêng của nền hội họa Trung Quốc, thông qua phần minh họa bằng tranh của một thế hệ các họa sĩ nổi tiếng tài năng như: Tiền Tiếu Ngai, Triệu Hoành Bản, Trần Quang Dật, Lưu Tích Vĩnh, Từ Chính Bình, Từ Hoằng Đạt, Uông Ngọc Sơn, Trần Lý Bình, Nghiêm Thiệu Đường, Thang Nghĩa Phương, Lăng Đào, Triệu Tam Đảo, Phùng Mặc Nông, Tưởng Bình, Dương Thanh Hoa, Vương Diệc Thu, Lý Thiết Sinh, Chu Quang Ngọc, Thủy Thiên Hoành, Trương Lệnh Đào…
Lối vẽ nhất quán và phong cách xây dựng hình tượng nhân vật của các bộ truyện tranh liên hoàn họa Trung Quốc dài tập còn được thể hiện trong hầu hết các tác phẩm từ Tây Du Ký, Thủy Hử cho đến Hồng Lâu Mộng, Dương Gia Tướng đã thu hút được sự quan tâm và yêu thích của đông đảo thế hệ người đọc.
Lời bàn của biên tập viên
"THỦY HỬ" - MỘT CÁI TÊN, NHIỀU LỚP NGHĨA!
Thứ nhất, hai chữ "Thủy Hử" 水滸 có nghĩa là "bến nước". Đặt tên là "Thủy Hử truyện" để khắc ghi về nơi các vị anh hùng đã có dịp tương ngộ với nhau bên bờ nước Lương Sơn Bạc” 梁山泊, rồi mới lên Lương Sơn tụ nghĩa. Cách lý giải đơn giản và sát nghĩa với tên truyện này nhận được sự tán thành của phần đông độc giả.
Thứ hai, các chuyên gia về văn học, lịch sử lại cho rằng, cái tên "Thủy Hử truyện" là đại diện tiêu biểu cho thủ pháp "dụng điển" quen thuộc của người Trung Quốc.
"Thủy Hử" - theo lý giải của giới chuyên gia - là hai chữ bắt nguồn từ bài "Miên" (Đại Nhã) thuộc Kinh Thi, kể về cuộc thiên cư lần thứ hai của tộc Chu. Trong đó có câu: "Cổ Công Đản Phủ, lai hướng tẩu mã, suất tây thủy hử, chí vu kỳ hạ".
Những câu chữ này bắt nguồn từ câu chuyện kể về tổ phụ của dòng họ Chu – tức Cổ Công Đản Phụ hay còn gọi là Chu Thái vương.
Tương truyền rằng, Cổ Công Đản Phụ sinh hạ vào lúc nhà Thương đang ở thời kỳ thịnh trị. Vào thời bấy giờ, bộ tộc Chu đang sống tại đất Mân – một mảnh đất nơi biên thùy cằn cỗi thường xuyên chịu sự quấy phá của các thế lực dũng mãnh phía bên ngoài. Suốt hàng chục năm trời, họ đã phải chịu cảnh thiếu cơm ăn áo mặc, ngày ngày sống trong nguy hiểm. Chỉ đến khi bộ tộc một vị lãnh tụ kiệt xuất là Chu Thái Vương ra đời, bộ tộc ấy mới lập được kỳ tích. Chu Thái Vương Cổ Công Đản Phụ là cháu đời thứ 16 của Hiên Viên Hoàng đế và là hậu duệ đời thứ 12 của Chu Tổ Hậu Tắc, cũng là một lãnh đạo xuất sắc của bộ tộc Chu.
Dưới sự suất lĩnh của Đản Phụ, bộ tộc Chu đã trải qua nhiều nguy hiểm mới có thể ly khai đất Mân, vượt qua sông Tất, sông Thư, núi Lương để tới định cư tại Kỳ Sơn (nay thuộc thành phố Bảo Kê, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc).
Vùng đất mới này chẳng những có đất đai phì nhiêu mà lại tránh khỏi sự quấy phá của các thế lực ngoại tộc khác. Cứ như vậy, bộ tộc Chu ở Kỳ Sơn bắt đầu phát triển lớn mạnh, cuối cùng sau này có thể thay thế nhà Thương, lập nên nhà Chu và có nhiều ảnh hưởng sâu sắc tới lịch sử Trung Hoa.
Bởi vậy, câu thơ có hai chữ "Thủy Hử" kia là thi ca để người thuộc bộ tộc họ Chu dùng để tưởng niệm và ca tụng công lao của Đản Phụ, mà hai chữ "Thủy Hử" trong đó dùng để chỉ nơi mà Đản Phụ đã dẫn dắt bộ tộc đến an cư, cũng chính là vùng đất mà họ Châu đã hưng thịnh sau này.
Vì vậy, ý hiểu đúng của hai chữ "Thủy Hử" là để chỉ "đường ra", là "nơi an thân", thường dùng để chỉ nơi ổn định cuộc sống trong hoàn cảnh túng quẫn. Bởi dù là Tống Giang, Võ Tòng hay Lâm Xung… thì họ đều vì những nguyên nhân khác nhau mà trở nên "không có đất dung thân" trong xã hội bình thường.
"Đường ra" của những con người ấy đều đã bị chặt đứt, mà lên Lương Sơn tụ nghĩa chính là lối đi duy nhất để họ có thể sống sót, cũng là nơi duy nhất có "đất dung thân" cho những anh hùng, hảo hán sa cơ lỡ bước.
THỦY HỬ, thực ấy là:
Nơi bến nước, hảo hán tương ngộ
Chốn tụ nghĩa, anh hùng dấy binh
Xem thêmTác giả | Thi Nại Am |
---|---|
Nhà xuất bản | Nxb văn học |
Nhà phát hành | Tri Thức Trẻ |
Giá bìa | 125.000 vnđ |
Khối lượng | 3586.00 gam |
Ngôn Ngữ | Tiếng Việt |
Kích thước | 16 x 24 cm |
Ngày phát hành | 02/08/2019 |
Số trang | 1816 |
- Đánh giá của bạn về sản phẩm này:
- Tiêu đề của nhận xét